Kỹ năng tự nhận thức bản thân (mọi điều bạn cần biết)

Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, đây là câu nói trích ra từ Binh pháp Tôn Tử mà chắc hẳn không còn xa lạ gì với người Việt Nam. 

Chúng ta cứ cố gắng tìm hiểu những cách thức để có thể thấu hiểu người khác, đọc vị người khác hay đối xử với người khác, trong khi bản thân mình thì lại thường bị bỏ qua.

Kỹ năng tự nhận thức bản thân cần được chú ý phát triển nhiều hơn, bởi vì muốn hiểu được người khác, hãy hiểu chính mình trước tiên.

Kỹ năng tự nhận thức là gì?

Kỹ năng tự nhận thức (tiếng Anh: intrapersonal skills) là những khả năng và hành vi bên trong giúp bạn quản lý cảm xúc, đương đầu với thử thách và học hỏi thông tin mới.

Nếu chúng ta có thể điều khiển, dẫn dắt thế giới bên trong của mình một cách có mục đích để các quá trình bên trong hỗ trợ các hành động bên ngoài của chúng ta thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Kỹ năng tự nhận thức
Ảnh: Clip Art Key

Hai nhóm kỹ năng chính của kỹ năng tự nhận thức gồm:

Khả năng thích nghi: Khả năng và sự sẵn sàng đối phó với các điều kiện không chắc chắn, mới mẻ và thay đổi nhanh chóng trong công việc, bao gồm ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng, và học các nhiệm vụ, công nghệ và quy trình mới.

Khả năng thích nghi cũng bao gồm việc xử lý căng thẳng trong công việc; thích ứng với các kiểu tính cách, phong cách giao tiếp và văn hóa khác nhau; và khả năng thích ứng về thể chất với các môi trường làm việc trong nhà hoặc ngoài trời khác nhau.

Quản lý bản thân / phát triển bản thân: Khả năng làm việc từ xa, làm việc theo nhóm qua mạng, tự chủ trong công việc, tự tạo động lực cho bản thân và tự giám sát chính mình. Một khía cạnh nữa của quản lý bản thân là sự sẵn lòng và khả năng tiếp thu thêm thông tin và kỹ năng mới liên quan đến công việc.

Những loại kỹ năng này có thể vận dụng được trên nhiều bối cảnh khác nhau, bởi chúng là những kỹ năng có thể chuyển đổi (transferable skills), tức là bạn có thể sử dụng kỹ năng đã học được ở lĩnh vực này áp dụng sang các lĩnh vực khác.

Một số ví dụ về các kỹ năng tự nhận thức như khả năng lên kế hoạch, sự kỷ luật với bản thân, khả năng kiểm soát ham muốn (hay trì hoãn sự sung sướng – delay of gratification), khả năng đối phó và vượt qua sự xao nhãng và khả năng điều chỉnh chiến lược hoặc cách tiếp cận của bản thân khi cần thiết.

Tầm quan trọng của kỹ năng tự nhận thức

1. Khả năng duy trì sự tập trung và chú ý liên tục

Bạn hãy tưởng tượng chúng ta có khả năng giữ được sự tập trung của bản thân đến bao lâu chúng ta muốn.

Chúng ta có thể ngồi đọc sách hay làm việc ở bất cứ nơi nào như không gian làm việc chung, các quán cà phê, những địa điểm đông đúc, ồn ào, trên xe buýt, trên tàu điện ngầm,… mà không lo bị xao nhãng bởi những tiếng ồn, những hoạt động hay những sự kiện đang xảy ra xung quanh.

Không chỉ những xao nhãng đến từ môi trường bên ngoài, đôi khi sự xao nhãng đến từ chính bên trong tâm trí của chúng ta.

Hãy nhớ lại xem đã bao giờ bạn đang cần tập trung làm một việc gì đó mà tâm trí của bạn cứ ngổn ngang những suy nghĩ, những ý tưởng bất chợt hiện lên, đan xen vào nhau và kéo bạn ra khỏi vấn đề chính mà bạn đang muốn tập trung vào chưa?

Hay đơn giản là đang ngồi đọc sách, đang ngồi suy nghĩ hay đang ngồi viết bài thì tự dưng những đoạn nhạc từ đâu lại vang lên trong đầu, có thể là những giai điệu bạn vừa nghe lúc nãy, có thể là những đoạn nhạc bạn tình cờ nghe được ở xung quanh, hay có thể là một bài hát ngẫu nhiên nào đó mà bạn từng thưởng thức.

Những nhân tố gây xao nhãng này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu suất của bạn, thậm chí có thể khiến bạn căng thẳng, khó chịu và bực mình vì không thể tập trung nổi.

Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng tự nhận thức có thể giúp chúng ta gia tăng khả năng tập trung, thậm chí tập trung hoàn toàn đến 100% vào bất cứ thứ gì chúng ta muốn, bất cứ khi nào chúng ta cần và miễn là chúng ta cần thì đều có thể làm được.

2. Tiếp cận tốt hơn với những insight* và sự sáng tạo

* Lưu ý: mình dùng nguyên bản từ “insight” vì hiện tại chưa có từ tiếng Việt nào tương đương mà thực sự diễn tả được chính xác và đầy đủ ý nghĩa của từ này. 

Trong bài viết này, các bạn có thể tạm hiểu insight có nghĩa là những “sự thật ngầm hiểu”, hay là những phát hiện thú vị về tâm lý của mọi người khi thực hiện một hành vi nào đó.

Sự đổi mới về bản chất là làm một điều gì đó hoàn toàn mới hoặc theo cách chưa từng được thực hiện trước đây, kể cả trong những việc đơn giản nhất.

Tư duy sáng tạo đôi khi chỉ đơn giản là để ý, quan sát và rút ra insight. Kỹ năng tự nhận thức bản thân giúp bạn dễ dàng tiếp cận đến những insight đã có sẵn trong đầu, và từ đó giúp bạn dễ dàng sáng tạo và đổi mới hơn.

3. Tự tin đối diện với bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống

Nếu bạn biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, biết được khả năng của mình đến đâu thì bạn có thể sẵn sàng đối mặt với bất cứ chuyện gì có thể xảy ra trong cuộc sống. Việc hiểu rõ được chính mình giúp chúng ta có thể tự tin hơn và bình tĩnh hơn rất nhiều.

Bạn không còn phải suy nghĩ quá nhiều hay lo sợ những khó khăn, thử thách có thể xảy ra, bởi kỹ năng tự nhận thức giúp bạn biết rõ mình là ai, mình làm được những gì và có thể điều chỉnh được cách bản thân phản ứng với những sự kiện diễn ra xung quanh.

4. Đây là lợi thế cạnh tranh của chính chúng ta

Giả sử có hai ứng viên cùng tranh cử cho một vị trí công việc.

Cả hai người đều có mức tương tự nhau về những kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng hướng ngoại như kỹ năng tương tác giữa các cá nhân với nhau, kỹ năng giao tiếp – ứng xử, thuyết trình, đối nhân xử thế,… Vậy điều gì khiến một trong hai người được chọn?

Lúc này, những kỹ năng hướng nội như kỹ năng tự nhận thức bản thân sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh để một người được lựa chọn.

Những người có thế mạnh về kỹ năng tự nhận thức có thể chủ động hơn, có kỷ luật hơn, cũng như biết tự tạo động lực cho bản thân sẽ dễ dàng thích nghi với những thay đổi hơn, cân bằng được cảm xúc và cư xử ôn hoà hơn.

Đọc thêm:  Cái giá của những quy chuẩn xã hội

Dễ thấy đây là những người linh hoạt hơn rất nhiều và khả năng cao là sẽ được những nhà tuyển dụng ưu ái lựa chọn hơn.

5. Tăng năng suất và ít thời gian chết hơn

Việc chủ động học tập và thực hành các kỹ năng tự nhận thức giúp ngăn ngừa các vấn đề trước khi chúng phát sinh, làm giảm đáng kể nguy cơ căng thẳng, kiệt sức và trầm cảm, giúp cho cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn khi mà chúng ta có thể phát hiện ra các dấu hiệu của những bất ổn tâm lý và “dập tắt nó từ trong trứng nước”.

6. Tự điều chỉnh và quản lý các mục tiêu

Việc theo đuổi các mục tiêu khác nhau đôi khi có thể dẫn đến các xung đột trong việc thực hiện. Có những mục tiêu bị đối lập nhau hay cạnh tranh với nhau, khiến việc thực hiện chúng bị phản tác dụng và làm giảm năng suất của chính mình.

Chẳng hạn bạn đặt mục tiêu làm một công việc gì đó trong một khoảng thời gian thật nhanh với mong muốn tiết kiệm thời gian và tăng năng suất, nhưng đồng thời bạn cũng có mục tiêu nữa là chất lượng hoàn thành công việc đó phải thật tốt, chỉn chu và hoàn thiện.

Đây là hai mục tiêu xung đột với nhau và tự làm suy yếu lẫn nhau. Việc theo đuổi tốc độ để đạt được mục tiêu thứ nhất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc theo đuổi chất lượng ở mục tiêu thứ hai. Vì vậy, chúng ta cần phải quản lý được sự xung đột giữa các mục tiêu.

Ngoài ra, quá trình theo đuổi các mục tiêu cũng có thể diễn ra rất chậm bởi việc duy trì nguồn động lực cho bản thân là không hề đơn giản. Để có thể duy trì việc theo đuổi mục tiêu đòi hỏi một tập hợp các chiến lược gộp lại, tạo thành sự tự điều chỉnh (self-regulation).

Tự điều chỉnh là hành vi mà cá nhân thực hiện một số mức độ của việc tự định đoạt. Tự điều chỉnh đòi hỏi năng lượng nhận thức và nỗ lực đáng kể.

Không phải mọi hành vi tốt đều liên quan đến việc tự điều chỉnh. Nếu cá nhân thường xuyên tự điều chỉnh thì sẽ không thể duy trì động lực để hoàn thành mục tiêu.

10 cách nâng cao các kỹ năng tự nhận thức

1. Lập và giữ một lịch trình cho bản thân

Những trách nhiệm mà bạn đang mang cũng như danh sách việc cần làm có đang khiến bạn choáng ngợp không?

Bạn có hay quên nhiệm vụ, quên những việc định làm hay là để những công việc mà bạn không thích chồng chất lên vì bạn không bao giờ cảm thấy muốn làm chúng không?

Thật khó để bắt đầu khi bạn không biết bắt đầu từ đâu, nên bạn cứ thế tiếp tục trì hoãn mọi thứ, và điều đó khiến bạn có ít thời gian hơn để xử lý tất cả các nhiệm vụ (có thể khó chịu) đó.

Nếu bạn có xu hướng bỏ dở công việc khi có nhiều việc phải làm, hãy thử tạo một lịch trình bao gồm các cam kết công việc và các cuộc hẹn cùng với các hoạt động xã hội, công việc gia đình và chăm sóc bản thân như tập thể dục và thư giãn.

Điều này có thể hữu ích vì:

  • Có lời nhắc về mọi thứ bạn cần hoàn thành có thể giúp bạn đi đúng hướng dù bị phân tâm;

  • Lên lịch cho các hoạt động thú vị nhắc nhở bạn còn nhiều điều đáng mong đợi hơn là hàng đống công việc gây nhàm chán.

Sau một vài tuần, bạn có thể nhận thấy sự thay đổi trong cách quản lý thời gian của mình ngay cả khi không có lịch trình trợ giúp.

2. Tái định hướng những điểm mạnh của bản thân

Rất ít người tự nhiên giỏi mọi thứ, và điều đó không sao cả! Nhưng bạn có thể có một số điểm mạnh cụ thể, ngay cả khi bạn chưa nhận ra chúng.

Có thể bạn có khả năng cực kỳ kiên nhẫn với trẻ nhỏ hoặc đồng nghiệp thô lỗ, nhưng bạn lại ít kiên nhẫn với chính bản thân mình khi mắc lỗi.

Hoặc có lẽ bạn là một người có thể giải quyết các vấn đề trong công việc rất giỏi nhưng lại gặp khó khăn trong việc giải quyết những khó khăn trong cuộc sống cá nhân của mình.

Thông thường bạn hay hướng các kỹ năng cảm xúc ra bên ngoài theo những cách có lợi cho người khác và không áp dụng những kỹ năng tương tự vào trải nghiệm của riêng mình.

Điều này có thể khiến bạn cảm giác như mình thiếu đi những kỹ năng đó, trong khi thực sự bạn cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều khi giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, bạn xứng đáng được nhận được những điều tương tự như vậy.

Hãy bắt đầu thực hành những điểm mạnh này bằng cách cân nhắc xem bạn sẽ làm gì cho người khác trong hoàn cảnh của mình.

Ví dụ: nếu bạn muốn khuyến khích một người bạn rằng hãy tiếp tục kiên trì, cố gắng với điều gì đó đầy thử thách, hãy hướng sự kiên trì và nỗ lực đó về phía bản thân bạn thay vì từ bỏ.

3. Hãy thử tập thiền

Thiền có thể giúp bạn học cách nhận biết và chấp nhận những gì bạn đang suy nghĩ và cảm nhận mà không bị mắc kẹt trong những vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực hoặc tự phán xét bản thân.

Đó là một cách thực hành ưa chuộng đối với nhiều người muốn nâng cao nhận thức về cảm xúc.

Các lợi ích chính của nó bao gồm:

  • Thư giãn

  • Giảm căng thẳng

  • Cải thiện giấc ngủ

Có thể những tác động này không trực tiếp giúp bạn kết nối lại với chính mình, nhưng chúng có thể góp phần cải thiện sức khỏe về cả thể chất và cảm xúc.

Cảm thấy mạnh mẽ về tinh thần và thể chất có thể giúp thúc đẩy quyết tâm bên trong của bạn, giúp bạn dễ dàng vượt qua những tình huống khó khăn hơn.

Thiền cũng có những lợi ích khác phù hợp hơn với việc nâng cao nhận thức về bản thân:

  • Nó có thể giúp bạn tập trung chú ý hiệu quả hơn, từ đó có thể cải thiện khả năng tập trung trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

  • Tăng cường chánh niệm có thể ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của bạn để xem xét những cách mới để giải quyết vấn đề.

» Tham khảo khoá học Bí mật Thiền ứng dụng thay đổi cuộc đời «

Bạn hãy nhập mã giảm giá SOFIA để được giảm 40% học phí. Thời gian áp dụng có hạn nên bạn hãy đăng ký ngay để giữ được ưu đãi nhé!

4. Dành thời gian cho việc tự phản chiếu

Tự phản chiếu (Self-reflection) nghe có vẻ to tát nhưng đúng là nó có thể hàm rất nhiều thứ.

Tuy nhiên, thực chất là nó chỉ liên quan đến việc suy nghĩ về các hành động, các lựa chọn cũng như những thứ quan trọng trong cuộc sống của bạn, bao gồm cả những giá trị cá nhân và những người thân yêu.

Khi tự phản chiếu, bạn có thể chú ý đến những thói quen nào phù hợp với bạn và nơi mà bạn trải nghiệm những thử thách.

Có thể bạn:

  • Tránh bạn bè thay vì dựa vào họ khi gặp khó khăn

  • Trì hoãn các nhiệm vụ tại nơi làm việc khi bạn không hiểu chúng

Quá trình này cũng có thể giúp củng cố kiến thức của bạn về những người và những điều thực sự quan trọng.

Điều này cho bạn cơ hội khám phá những cách mới để đạt được hoặc giữ vững những điều đó.

Ví dụ: bạn bè có ý nghĩa rất lớn đối với bạn, vì vậy bạn quyết định cần phải tìm một phương pháp có hiệu quả tương tự thay vì tránh mặt họ.

Đọc thêm:  Top 3 sách dạy vẽ Sketchnote tiếng Việt hay nhất 2021

5. Viết nhật ký

Viết nhật ký có thể giúp bạn kết nối với bản thân ở mức độ cảm xúc sâu sắc bằng cách cung cấp một bản ghi hữu hình về những suy nghĩ và cảm xúc để nhìn lại sau này.

Nhật ký của bạn là một bản ghi về bạn. Nó cung cấp một không gian tuyệt vời để theo dõi các mục tiêu quan trọng, cảm xúc và toàn bộ trải nghiệm hàng ngày của bạn.

Nó cũng giúp bạn xác định những điều bạn muốn giải quyết, chẳng hạn như sự thiếu tự tin hay thiếu động lực.

Viết nhật ký cũng có thể chứng minh sự phát triển dần theo thời gian của cá nhân bạn.

Khi bạn nghi ngờ về khả năng nội tại của mình hoặc cảm thấy như thể bạn chưa hoàn thành được nhiều việc, nhìn lại những ngày tháng trước hay những năm trước có thể cho bạn thấy những kỹ năng của bạn đã được thể hiện ở đâu.

Chẳng hạn, có thể bạn đã xử lý tốt một cuộc khủng hoảng hoặc có khả năng phục hồi sau một (những) cuộc chia tay đau khổ.

» Tham khảo một số mẫu sổ nhật ký đẹp giúp tăng cảm hứng viết

6. Trau dồi lòng trắc ẩn

Tăng cường lòng trắc ẩn đối với người khác có thể giúp bạn hòa hợp hơn với trải nghiệm cảm xúc của chính mình và giúp lòng tự trắc ẩn (self-compassion) phát triển hơn.

Lòng trắc ẩn không phải lúc nào cũng đến dễ dàng. Đặc biệt là thật khó có lòng trắc ẩn đối với những người đối xử tệ bạc với người khác và thể hiện hành vi không tốt, thiếu cẩn trọng.

Nhưng câu nói “Hãy đặt mình vào vị trí của họ” luôn là một nơi tốt để bắt đầu. Xem xét quan điểm của người khác thường cung cấp thông tin chi tiết về lý do tại sao họ có thể hành động theo một cách nhất định.

Thực hiện một hành động tử tế ngẫu nhiên cũng có thể giúp thúc đẩy cảm xúc tích cực đối với người khác và bản thân.

Nó cũng giúp bạn ghi nhớ rằng tất cả mọi người đều mắc lỗi.

Nếu bạn cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi về điều gì đó mà bạn đã làm, hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều làm những điều mà chúng ta mong muốn có thể xóa bỏ. Cuộc sống không cho phép bạn làm quá nhiều, nhưng bạn luôn có thể thử lại.

Lần thứ hai (hoặc thứ ba) bạn sẽ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn, từ đó tăng cơ hội làm đúng.

Lòng trắc ẩn và các kỹ năng tự nhận thức khác giúp bạn dễ dàng hơn trong việc:

  • Nhận ra bạn đã sai ở đâu

  • Chấp nhận rằng những yếu tố tiềm ẩn và những khó khăn cá nhân thường khiến bạn khó đưa ra lựa chọn tốt nhất trong mọi tình huống

  • Tin rằng hầu hết mọi người (bao gồm cả bạn) đang cố gắng làm tốt nhất có thể với những gì mình có

7. Thực hành độc thoại tích cực

Cách bạn nói chuyện và suy nghĩ về bản thân có thể có tác động lớn đến trải nghiệm nội tâm của bạn.

Những kiểu suy nghĩ tiêu cực và tự phê bình gay gắt có vẻ như là một cách tốt để thúc đẩy bản thân và tự chịu trách nhiệm về những sai lầm, nhưng thường thì những điều này lại có tác dụng ngược lại.

Thay vì tự đay nghiến bản thân khi bạn rối tung lên, hãy thử nhìn lại những thứ mà bạn đã thành công. Điều gì phù hợp với bạn hơn?

Tất nhiên là việc biết rõ mình cần cải thiện những điểm nào cũng rất quan trọng, nhưng việc tự khen mình về những điểm mạnh, những thành tích đã đạt được có thể giúp bạn tiếp cận đến những điểm yếu một cách tự tin và quyết tâm hơn.

Làm như vậy có thể giúp việc thử lại sau này trở nên dễ dàng hơn.

8. Nắm bắt những cơ hội

Thử một cái gì đó mới có thể rất đáng sợ. Thường thì có vẻ an toàn hơn khi chúng ta gắn bó với những gì mà ta biết là đã hoạt động hiệu quả.

Nhưng đôi khi một chút rủi ro có thể được đền đáp, cho dù bạn:

  • Cố gắng giúp một mối quan hệ phát triển tốt hơn

  • Bước vào một sự nghiệp mới

  • Chọn một sở thích mới

Việc tuân theo các nếp cũ có thể kìm hãm bạn và không cho bạn khám phá các lựa chọn thay thế có thể đáp ứng nhu cầu của bạn thậm chí còn hiệu quả hơn.

Việc chấp nhận rủi ro dẫn đến thành công có thể thúc đẩy sự tự tin và thúc đẩy bạn tiếp tục thử những điều mới.

Tuy nhiên, việc nắm bắt những cơ hội mà không dẫn đến thành công vẫn có thể giúp bạn tiến bộ hơn rất nhiều. Bạn có thêm những trải nghiệm mới, kinh nghiệm mới và kiến thức mới.

Bạn vẫn đang xây dựng những kỹ năng như sức bật (hay khả năng phục hồi) và sự bền bỉ, vì vậy việc vượt qua những thất bại cho thấy bạn luôn có thể tiếp tục và thử lại.

9. Cân nhắc về các mục tiêu của bạn

Mục tiêu nói lên rất nhiều điều về con người bạn và điều gì thúc đẩy bạn. Chúng giúp đưa ra những lựa chọn và định hình cuộc sống của bạn.

Điều quan trọng là phải có mục tiêu, cho cả trước mắt và tương lai xa hơn.

Thành công với những mục tiêu nhỏ như loại bỏ một thói quen không mong muốn hoặc đọc một cuốn sách mỗi tháng, có thể giúp bạn thực hiện những mục tiêu lớn hơn, đòi hỏi nỗ lực lâu dài, chẳng hạn như kiếm được nhiều tiền hơn hay là trở thành một người hoàn toàn trung thực.

Mục tiêu thực tế có tính đến những hạn chế và điểm mạnh cá nhân của bạn.

Ghi nhận những thành tích trong quá khứ giúp tăng cường nhận thức về bản thân đồng thời củng cố lòng can đảm của bạn để thực hiện những bước lớn hơn với các mục tiêu trong tương lai.

Nghĩ về con người bạn muốn trở thành có thể giúp bạn tiếp tục đặt mục tiêu để đạt được những ước mơ đó.

10. Nói chuyện với một nhà trị liệu

Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng tăng cường trí tuệ cảm xúc, đặc biệt nếu bạn chỉ có một ý tưởng mơ hồ về những đặc điểm bạn muốn củng cố.

Với sự giúp đỡ của chuyên gia trị liệu, bạn thường có thể nâng cao nhận thức về bản thân khi xác định những thách thức hoặc lĩnh vực quan tâm xuất hiện trong suy nghĩ và thói quen của bạn.

Một nhà trị liệu cũng có thể giúp bạn liên kết các khuôn mẫu cụ thể với các kỹ năng tự nhận thức và đưa ra hướng dẫn về các lĩnh vực đáng để khám phá thêm.

Ví dụ: nếu bạn đang gặp khó khăn để có thể tha thứ cho bản thân về những lỗi lầm mà mình đã mắc phải, một nhà trị liệu có thể giúp bạn liên hệ điều này với lòng tự trắc ẩn bên trong và dạy các kỹ năng để thúc đẩy lòng tốt với bản thân.


Trên đây mình đã giới thiệu đến bạn những điều bạn cần biết về các kỹ năng tự nhận thức bản thân.

Bạn còn điều gì băn khoăn và cần được giải đáp không? Hãy comment xuống dưới đây để mình biết nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều!

Nguồn tham khảo
Lass, D. (2019). Intrapersonal skills – the most important skills in future. Retrieved November 23, 2020, from https://thriveglobal.com/stories/intrapersonal-skills/

National Research Council. (2011). Assessing 21st Century Skills: Summary of a Workshop. J.A. Koenig, Rapporteur. Committee on the Assessment of 21st Century Skills. Board on Testing and Assessment, Division of Behavioral and Social Sciences and Education. Washington, DC: The National Academies Press.

Raypole, C. (2020). How to Build Intrapersonal Skills. Retrieved November 23, 2020, from https://www.healthline.com/health/mental-health/intrapersonal-skills

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *