5 hiệu ứng tâm lý áp dụng vào viết content

Tại sao ca dao, thành ngữ, tục ngữ thường dễ nhớ hơn các câu nói thông thường?

Tại sao lời nhạc rap nghe lại thú vị và dễ tạo trend đến thế?

Tại sao content của Durex hay gây ấn tượng với người đọc?

Các hiệu ứng tâm lý sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên, đồng thời gợi ý cho bạn rất nhiều ý tưởng áp dụng vào việc viết content sao cho hiệu quả và tác động vào tâm lý người đọc một cách mạnh mẽ nhất.

Hiệu ứng vần tin cậy (Rhyme-as-reasoneffect)

Hiệu ứng vần tin cậy (tạm dịch) là một thiên kiến nhận thức trong đó một câu nói hoặc câu cách ngôn được đánh giá là chính xác hơn hay trung thực hơn khi nó được viết có vần. 

Tên gọi khác là suy nghiệm Keats.

Điều này lý giải tại sao các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ thường có vần điệu, và điều này khiến chúng ta dễ nhớ hơn rất nhiều so với những câu nói không vần.

Tương tự, lời bài rap thường có rất nhiều vần điệu khiến ta nghe rất xuôi tai và dễ dàng ghi nhớ cũng như ấn tượng với các câu chữ này hơn hẳn.

Hơn nữa, nếu để ý các bạn sẽ thấy là những bài mang tính tuyên truyền và cổ động tinh thần của ông cha ta ngày xưa như “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”,… đều viết bằng thơ – dạng văn bản chứa nhiều vần điệu.

Áp dụng vào viết content: khi viết nội dung, đặc biệt là nội dung quảng cáo, tagline hay slogan, hãy cố gắng viết sao cho có vần nhất có thể, như vậy sẽ dễ chiếm được cảm tình của người đọc hơn.

Hiệu ứng đóng khung tâm lý (Framing effect)

Hiệu ứng đóng khung tâm lý là một thiên kiến nhận thức, nơi mọi người quyết định chọn lựa dựa trên việc các lựa chọn đó được trình bày với hàm ý tích cực hay tiêu cực.

Ví dụ: giữa 2 sản phẩm sau, bạn sẽ chọn sản phẩm nào? 

Case 1: Sữa tươi chứa 20% chất béo HAY sữa tươi chứa 80% chất không béo? Thường thì đa số sẽ chọn sản phẩm chứa 80% chất không béo, mặc dù đây chỉ là 2 cách diễn đạt khác nhau của cùng 1 thông tin.

Case 2: Nước rửa tay diệt trừ 99% vi khuẩn HAY nước rửa tay giúp loại bỏ phần lớn vi khuẩn, chỉ 1% vi khuẩn sống sót? Thường thì hầu hết mọi người sẽ chọn sản phẩm diệt 99% vi khuẩn hơn, trong khi rõ ràng 2 cách diễn đạt này có cùng 1 ý nghĩa.

Đọc thêm:  Tổng hợp 99 hiệu ứng tâm lý (đầy đủ nhất 2022)

Áp dụng vào viết content: hãy tránh sử dụng các từ ngữ hay cách diễn đạt mang ý nghĩa tiêu cực hết mức có thể khi viết nội dung, cố gắng diễn đạt theo hướng càng tích cực càng tốt. 

Thay vì nói “chất vải này không nóng” thì hãy nói “chất vải này rất mát”, thay vì nói “kem dưỡng da này giúp da mặt bạn bớt sần sùi, thâm rỗ” thì nói “kem dưỡng da này giúp da bạn mịn màng, láng mượt”,… 

Như vậy content của bạn sẽ tác động được vào cảm xúc tích cực của khách hàng và dễ kích thích họ mua hàng hơn, đồng thời cũng tạo một “neo tâm trí” tích cực với khách hàng khi họ nghĩ về thương hiệu của bạn.

» Tham khảo thêm về Hiệu ứng mỏ neo

Hiệu ứng thưởng dư thừa (Overjustification effect)

Hiệu ứng thưởng dư thừa xảy ra khi một phần thưởng khích lệ từ bên ngoài được trông đợi sẽ nhận được như tiền bạc hoặc giải thưởng làm giảm động lực nội tại của một người khi thực hiện nhiệm vụ.

Nói cách khác, những việc mà vốn dĩ bạn đang làm vì bạn thích, bạn vui khi làm nó, nếu bỗng dưng một ngày đẹp trời bạn được thưởng vì làm chính những việc này sẽ dần dần khiến bạn thay đổi động lực. 

Đang từ việc làm vì thích, giờ sẽ thành làm vì thưởng. Từ động lực nội tại chuyển thành động lực ngoại sinh, bạn dần trở nên phụ thuộc vào những phần thưởng đó.

Khi không còn phần thưởng, bạn cũng sẽ mất luôn động lực để tiếp tục làm những việc kia.

Áp dụng vào viết content: nếu bạn muốn trở thành người viết nội dung giỏi, hãy luyện viết thật nhiều và tự xác định với bản thân là mình viết cho mình, viết để thoả mãn cảm xúc của mình, để thể hiện khả năng cũng như con người mình, hay để đem lại giá trị hữu ích cho mọi người chứ không phải viết để nhận được điều gì đó từ người khác. 

Như vậy, động lực nội tại sẽ giúp bạn duy trì thói quen tốt hơn là dựa vào những động lực ngoại sinh thường không ổn định, và bạn sẽ đỡ phải trải qua cảm giác thất vọng khi không nhận được điều mà mình mong muốn từ người khác.

Đọc thêm:  Kỹ năng tự nhận thức bản thân (mọi điều bạn cần biết)

Hiệu ứng ưu thế hình ảnh (Picture superiority effect)

Hiệu ứng ưu thế hình ảnh đề cập đến hiện tượng mà bức tranh và hình ảnh có nhiều khả năng được ghi nhớ hơn là từ ngữ.

Ví dụ thực tế của hiệu ứng này thì quá nhiều, chẳng hạn như các biển báo giao thông chủ yếu dùng hình ảnh minh hoạ thay vì chữ viết; các biển quảng cáo ngoài trời (billboard) cũng tận dụng việc dùng hình ảnh ấn tượng, ít chữ.

Đặc biệt, chắc hẳn các bạn không còn xa lạ gì với content của Durex nữa đúng không? Brand này luôn gây ấn tượng với mọi người với những hình ảnh tối giản nhưng độc đáo, thông điệp ngắn gọn, ít chữ và thú vị.

Rõ ràng nếu biết cách sử dụng hiệu quả, hình ảnh sẽ truyền tải nội dung tốt hơn từ ngữ rất nhiều. 

Áp dụng vào viết content: hãy cố gắng sử dụng nhiều ảnh nhất có thể khi viết, nhưng ảnh phải thật liên quan đến nội dung đang viết, rõ ràng và không khó hiểu để người đọc có thể dễ dàng hiểu được thông điệp ẩn trong bức ảnh đó.

Hiệu ứng Google (Google effect)

Hiệu ứng Google, còn được gọi là chứng quên kỹ thuật số (digital amnesia) là xu hướng quên những thông tin mà ta có thể tìm thấy dễ dàng bằng cách sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet.

Theo hiệu ứng này, mọi người ít có khả năng nhớ một số chi tiết mà họ tin rằng sẽ có thể truy cập trực tuyến (online) để tìm lại. 

Điều này xảy ra do mọi người bị phụ thuộc vào đồ công nghệ, vì mọi người có thể chia sẻ thông tin với nhau một cách dễ dàng, nên họ quên đi những gì họ nghĩ là sẽ có thể tìm lại sau đó, và họ nhớ vị trí để tìm thông tin tốt hơn chính thông tin đó.

Áp dụng vào viết content: hãy viết những nội dung chứa nhiều thông tin hữu ích, có độ dài nhất định (theo mình thì khoảng 1000 chữ trở lên) để người đọc không thể nhớ hết được trong một lần đọc, và họ sẽ có xu hướng chia sẻ hoặc lưu lại các bài viết đó để tìm đọc lại sau này khi cần.

Bạn cũng có thể tham khảo thêm bài tổng hợp 99 hiệu ứng tâm lý và tự nảy ra những ý tưởng sáng tạo cho riêng mình nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *