Tổng hợp 99 hiệu ứng tâm lý (đầy đủ nhất 2022)

99 Hiệu ứng tâm lý (Psychological Effects) được tổng hợp một cách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và đầy đủ nhất qua bài viết này (có dẫn nguồn để tham khảo thêm).

Nếu bạn đang tìm một bài viết tổng hợp đầy đủ nhất tất cả các hiệu ứng tâm lý thì bài viết này dành cho bạn. Bạn hãy lưu trang này lại để tra cứu khi cần nhé!

Để tìm nhanh nhất thì bạn hãy ấn tổ hợp phím Ctrl + F hoặc Command + F (đối với Mac) rồi gõ từ khoá vào là được nha!

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ (Naive realism) (trong tâm lý học)

Trong tâm lý học xã hội, chủ nghĩa hiện thực ngây thơ là xu hướng con người tin rằng chúng ta nhìn thế giới xung quanh một cách khách quan hơn là một sự xây dựng và giải thích thực tế một cách chủ quan.

Niềm tin rằng nhận thức của một người là những cách giải thích thực tế, không thiên vị về thế giới xã hội có 2 ngụ ý quan trọng:

  • Những người lý trí khác sẽ có nhận thức tương tự như chính mình.
  • Những người có nhận thức khác với mình chắc hẳn không được biết những thông tin như mình biết, phi lý trí hoặc có thành kiến.

Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ cung cấp cơ sở lý thuyết cho một số thiên kiến nhận thức khác, đó là những sai sót có hệ thống khi nói đến suy nghĩ và đưa ra quyết định.

Chúng bao gồm hiệu ứng đồng thuận giả (false consensus effect), thành kiến diễn viên-người quan sát (actor-observer bias), điểm mù thành kiến (bias blind spot) và lỗi quy kết cho bản chất (fundamental attribution error).

Thuật ngữ này, như được sử dụng trong tâm lý học ngày nay, được đặt ra bởi nhà tâm lý học xã hội Lee Ross và các đồng nghiệp của ông vào những năm 1990.

Nó liên quan đến khái niệm triết học về chủ nghĩa hiện thực ngây thơ, là ý tưởng cho rằng các giác quan của chúng ta cho phép chúng ta nhận thức các đối tượng một cách trực tiếp và không có bất kỳ quá trình can thiệp nào.

Các nhà tâm lý học xã hội vào giữa thế kỷ 20 đã lập luận chống lại lập trường này và thay vào đó đề xuất rằng nhận thức vốn mang tính chủ quan.

Lee Ross và nhà tâm lý học đồng nghiệp Andrew Ward đã vạch ra 3 giả định có liên quan lẫn nhau, hay “các nguyên lý” (tenets), tạo nên chủ nghĩa hiện thực ngây thơ.

Họ cho rằng những giả định này được hỗ trợ bởi một hàng dài tư duy trong tâm lý xã hội, cùng với một số nghiên cứu thực nghiệm. Theo mô hình của họ, mọi người thường:

  • Tin rằng họ nhìn thế giới một cách khách quan và không có thành kiến.
  • Mong đợi rằng những người khác sẽ đi đến cùng kết luận, miễn là họ được tiếp xúc với cùng một thông tin và giải thích nó một cách hợp lý.
  • Cho rằng những người khác không có cùng quan điểm phải là người thiếu hiểu biết, phi lý trí hoặc có thành kiến.

Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ khiến người ta phóng đại sự khác biệt giữa mình và người khác. Các nhà tâm lý học tin rằng nó có thể châm ngòi và làm trầm trọng thêm các xung đột, cũng như tạo ra các rào cản trong đàm phán thông qua một số cơ chế khác nhau.

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hiệu ứng “hơn mức trung bình” và hiệu ứng “kém mức trung bình” (Better-than-average effect & Worse-than-average effect)

Hiệu ứng “kém mức trung bình” hay còn có tên khác là hiệu ứng “dưới trung bình (below-average effect) là xu hướng con người đánh giá thấp những thành tựu và năng lực của một người trong mối quan hệ với những người khác. Hiệu ứng này dường như xảy ra khi cơ hội thành công được coi là cực kỳ hiếm.

Nó đối lập với hiệu ứng “hơn mức trung bình”, hay có những tên gọi khác như hiệu ứng “trên trung bình” (above-average effect), ảo tưởng ưu việt (illusory superiority), thiên kiến ưu việt (superiority bias), lỗi khoan hồng (the leniency error), cảm giác về tính ưu việt tương đối (the sense of relative superiority), hiệu ứng primus inter pares (the primus inter pares effect), và hiệu ứng Lake Wobegon (the Lake Wobegon effect),…

Trong lĩnh vực tâm lý học xã hội, hiệu ứng “hơn mức trung bình” là tình trạng sai lệch về nhận thức, trong đó một người đánh giá quá cao phẩm chất và năng lực của bản thân trong mối quan hệ với những phẩm chất và năng lực tương tự của người khác.

Ảo tưởng ưu việt là một trong nhiều ảo tưởng tích cực, liên quan đến bản thân, thể hiện rõ trong việc nghiên cứu trí thông minh, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ và bài kiểm tra, cũng như sở hữu các đặc điểm cá nhân và đặc điểm tính cách mong muốn.

Ảo tưởng ưu việt liên quan đến hiệu ứng Dunning-Kruger dưới đây.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Hiệu ứng Dunning-Kruger (Dunning–Kruger effect)

Hiệu ứng Dunning-Kruger là một thiên kiến nhận thức, cho rằng mọi người thường đánh giá sai kiến thức hoặc khả năng của họ trong một lĩnh vực cụ thể.

Điều này có xu hướng xảy ra bởi sự thiếu nhận thức về bản thân khiến họ không thể đánh giá chính xác các kỹ năng của mình.

Khái niệm về hiệu ứng Dunning-Kruger dựa trên một bài báo năm 1999 của 2 nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger của Đại học Cornell.

Họ đã kiểm tra những người tham gia về logic, ngữ pháp và khiếu hài hước của bản thân và nhận thấy rằng những người tốp dưới lại đánh giá kỹ năng của họ trên mức trung bình.

Hiệu ứng Dunning-Kruger
(Ảnh: Wikimedia Common)

Các nhà nghiên cứu cho rằng xu hướng này xảy ra là do siêu nhận thức (metacognition) – khả năng phân tích suy nghĩ hoặc hiệu suất của chính mình.

Hiệu ứng Dunning-Kruger có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả những người giỏi, có năng lực đôi khi vẫn gặp hiệu ứng này khi họ học được một điều gì mới ở lĩnh vực mà họ không biết hoặc không phải là chuyên gia.

 

Tải ebook 99 Hiệu ứng tâm lý miễn phí

Mình đã chuyển bài viết này thành 1 ebook định dạng file pdf để các bạn có thể tải về cho tiện đọc và dễ tra cứu hơn.

Bạn điền email vào đây để mình gửi ebook miễn phí cho bạn nhé!

Sau khi đăng ký thành công, bạn vui lòng kiểm tra cả hộp thư đến và Spam giúp mình nha!

Hiệu ứng ánh đèn sân khấu (Spotlight effect)

Hiệu ứng ánh đèn sân khấu đề cập đến thực tế là mọi người thường đánh giá quá cao mức độ chú ý của người khác dành cho mình.

Chúng ta là trung tâm trong thế giới của chính mình, nhưng hiệu ứng ánh đèn sân khấu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là trung tâm của tất cả những người xung quanh.

Thuật ngữ “hiệu ứng ánh đèn sân khấu được đặt ra bởi Thomas Gilovich và Kenneth Savitsky. Hiện tượng này xuất hiện lần đầu tiên trong thế giới tâm lý học trên tạp chí Current Directions in Psychological Science vào năm 1999.

Lý do cho hiệu ứng ánh đèn sân khấu liên quan đến khả năng hành động của chính chúng ta theo nhận thức của chúng ta.

Mọi người (nói chung) tất nhiên biết rằng họ không phải là trung tâm của vũ trụ đối với mọi người xung quanh. Nhưng khi chúng ta làm một điều gì đó không điển hình, dù tốt hay xấu, chúng ta có xu hướng không đủ chính xác để nhận ra sự khác biệt giữa nhận thức của chúng ta và của những người khác.

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hiệu ứng Baader-Meinhof hay Ảo tưởng tần suất (Baader-Meinhof effect or Frequency illusion)

Hiệu ứng Baader-Meinhof hay ảo tưởng tần suất là sự ảo tưởng rằng một từ, một tên hoặc thứ gì đó khi đã được chú ý thì bỗng nhiên nó xuất hiện với tần suất cao hơn. Tức là bạn bỗng thấy nó nhiều hơn.

Hiệu ứng Baader-Meinhof / Ảo tưởng tần suất
(Ảnh: Sketchplanations)

Hiệu ứng này được giải thích rằng khi não bạn cảm thấy hứng thú với một thông tin hay một điều gì mà bạn vừa biết được, thì khi đó sự chú ý chọn lọc bắt đầu xảy ra.

Não bạn sẽ nghĩ một cách vô thức rằng “À, cái này hay đấy! Từ giờ mình sẽ tìm những gì liên quan đến nó mà chẳng cần phải suy nghĩ về điều này”.

Và thế là bạn đang tìm nó mọi lúc mọi nơi, rồi khi bạn thấy nó xuất hiện, bạn bắt đầu cho rằng bạn đang thấy nó ngày càng nhiều hơn.

Hiệu ứng bàng quan / hiệu ứng người ngoài cuộc (Bystander effect)

Hiệu ứng bàng quan (hay hiệu ứng người ngoài cuộc, hội chứng Genovese) là hiện tượng trong đó số lượng người có mặt càng đông thì khả năng giúp đỡ một người gặp nạn càng ít.

Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, những người quan sát có nhiều khả năng hành động hơn nếu có ít hoặc không có nhân chứng xung quanh. Việc trở thành một phần của một đám đông lớn khiến không ai phải chịu trách nhiệm cho một hành động (hoặc không hành động) của mình.

Hiểu đơn giản là mọi người đều nghĩ rằng ai đó sẽ giúp nạn nhân chứ không phải mình, hoặc nếu mọi người không ai giúp thì chứng tỏ tình huống này không nghiêm trọng lắm, nên mình cũng không cần làm gì cả.

Các nghiên cứu cho thấy càng nhiều người chứng kiến thì càng có ít khả năng ai đó sẽ hỗ trợ. Càng có nhiều người chứng kiến, thì một cá nhân chứng kiến lại càng ít xem vụ tai nạn là một vấn đề nghiêm trọng và ít nhận trách nhiệm để hành động hơn.

Dưới đây là một video ví dụ về hiệu ứng bàng quan:

Cách khắc phục

Một trong những cách phổ biến để khắc phục hiệu ứng này là thay vì chỉ cầu cứu chung chung như: “Giúp tôi với!”, bạn hãy chỉ cụ thể hoặc gọi một người cụ thể để cầu xin sự giúp đỡ, ví dụ: “Anh áo xanh ơi giúp tôi với!”, hoặc nhìn thẳng vào mắt một người nào đó và nói thật khẩn thiết: “Làm ơn gọi cấp cứu giúp tôi với!”,…

Chỉ cần có được một người tiên phong giúp đỡ, thì những người xung quanh sẽ có xu hướng cùng giúp đỡ theo.

Hiệu ứng Barnum / hiệu ứng Forer (Barnum effect / Forer effect)

Hiệu ứng Barnum, hay còn gọi là hiệu ứng Forer, hiệu ứng Barnum – Forer, cho rằng mọi người thường tin vào những điều mà họ cảm thấy chỉ đúng với cá nhân họ trong khi thực tế những thông tin này rất chung chung và đúng với nhiều người khác.

Hiệu ứng tâm lý này xuất hiện nhiều nhất khi ta đọc về cung hoàng đạo, tử vi, bói toán hay các bài kiểm tra tính cách,… đặc biệt khi đó là những thông tin tích cực.

Hiệu ứng Barnum được nhắc đến lần đầu vào năm 1956 bởi nhà tâm lý học Paul Meehl, đặt theo tên của nghệ sĩ xiếc Phineas Taylor Barnum.

Sau đó, hiệu ứng này được chứng thực bởi nhà tâm lý học người Mỹ Bertram R. Forer qua một thí nghiệm thực hiện năm 1949, nên nó cũng có tên là hiệu ứng Forer.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Tâm lý học hài hước – Richard Wiseman

Hiệu ứng BIRG (BIRG effect)

Hiệu ứng BIRG, hay còn gọi là đắm mình trong ánh hào quang phản xạ (basking in reflected glory), đề cập đến xu hướng mà các cá nhân thường liên kết bản thân với những người thành công hoặc nổi tiếng.

Ví dụ như khi đội bóng mà bạn ưa thích giành chiến thắng, bạn sẽ có xu hướng nói rằng “Chúng ta đã thắng”. Ngược lại, khi đội bóng ưa thích của bạn bị thua, bạn sẽ có xu hướng nói rằng “Họ đã thua”.

Thêm một trường hợp cũng rất phổ biến, đó là chúng ta có xu hướng muốn sử dụng những sản phẩm mà một người đang có danh tiếng tốt quảng bá / sử dụng hơn là sản phẩm mà những người đang gặp tai tiếng quảng bá / sử dụng.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Tâm lý học hài hước – Richard Wiseman

Hiệu ứng bối cảnh (Context effect)

Hiệu ứng bối cảnh là một khía cạnh của tâm lý học nhận thức mô tả ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến nhận thức của một người.

Hiệu ứng bối cảnh có thể tác động đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta theo nhiều cách như nhận dạng từ, khả năng học tập, trí nhớ và nhận dạng đối tượng.

Nó cũng có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến marketing và quyết định của người tiêu dùng, nên được nghiên cứu chủ yếu trong marketing.

Ví dụ: nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ thoải mái của sàn mà người mua hàng đang đứng trong khi xem xét sản phẩm có thể ảnh hưởng đến đánh giá của họ về chất lượng sản phẩm, dẫn đến đánh giá cao hơn nếu sàn thoải mái và xếp hạng thấp hơn nếu không thoải mái.

Hiệu ứng bối cảnh thường được thảo luận cùng với khái niệm mồi (tham khảo về hiệu ứng chim mồi), là một hiện tượng trong đó việc tiếp xúc với kích thích ảnh hưởng đến phản ứng của chúng ta đối với các kích thích do hậu quả.

Ngoài ra, một hiện tượng liên quan khác là neo (tham khảo về hiệu ứng mỏ neo), tương tự khiến việc tiếp xúc với thông tin ban đầu ảnh hưởng nặng nề đến các quyết định trong tương lai.

Hiệu ứng bối cảnh thường được chia thành 2 loại chính: hiệu ứng tương phản (Contrast effect) và hiệu ứng đồng hoá (Assimilation effect).

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng tương phản (Contrast effect)

Hiệu ứng tương phản là một thiên kiến nhận thức làm sai lệch nhận thức của chúng ta về một thứ khi chúng ta so sánh nó với một thứ khác bằng cách gia tăng sự khác biệt giữa chúng.

Sự so sánh này có thể rõ ràng hoặc ẩn ý, đồng thời hoặc tại các thời điểm riêng biệt và có thể áp dụng cho các đặc điểm khác nhau, từ phẩm chất thể chất, chẳng hạn như màu sắc và mùi vị, đến các phẩm chất trừu tượng hơn, chẳng hạn như giá cả và sức hấp dẫn.

Hiệu ứng tương phản
(Ảnh: Effectiviology)

Trong một số trường hợp, hiệu ứng tương phản được phân thành hai loại chính:

  • Hiệu ứng tương phản tích cực: xảy ra khi một thứ gì đó được cho là tốt hơn so với những gì thường được nhìn nhận vì nó được so sánh với thứ tệ hơn. Ví dụ: hiệu ứng tương phản tích cực có thể khiến bìa sách trông thú vị hơn bình thường nếu nó được đặt cạnh một cuốn sách có bìa nhàm chán.
  • Hiệu ứng tương phản tiêu cực: xảy ra khi một thứ gì đó được cho là tồi tệ hơn so với những gì nó thường được cảm nhận vì nó được so sánh với thứ tốt hơn. Ví dụ: hiệu ứng tương phản tiêu cực có thể khiến một chiếc ô tô có vẻ rẻ hơn bình thường nếu nó đỗ cạnh một chiếc ô tô đắt tiền.

Hiệu ứng đồng hoá (Assimilation effect)

Hiệu ứng đồng hóa là một thiên kiến nhận thức làm sai lệch nhận thức của chúng ta về một thứ khi chúng ta so sánh nó với một thứ khác bằng cách giảm bớt sự khác biệt rõ ràng giữa chúng, khiến chúng có vẻ giống nhau hơn (ngược lại với hiệu ứng tương phản).

Ví dụ: hiệu ứng đồng hóa có thể ảnh hưởng đến những người thấy ai đó hành động theo thái độ thù địch và khiến họ coi hành vi của người khác là thù địch hơn so với những người khác.

Do đó, hiệu ứng đồng hóa tương tự như hiệu ứng tương phản, sự khác biệt là hiệu ứng đồng hóa làm giảm sự khác biệt nhận thức giữa những thứ đang được so sánh, trong khi hiệu ứng tương phản làm tăng sự khác biệt này.

Theo đó, hiệu ứng đồng hóa được coi là liên quan đến mối quan hệ tích cực giữa thông tin bối cảnh và đánh giá mà mọi người đưa ra, trong khi hiệu ứng tương phản được coi là có mối quan hệ tiêu cực giữa hai yếu tố này.

Hiệu ứng Boomerang (Boomerang effect)

Hiệu ứng Boomerang mô tả một tình huống tâm lý xã hội khi mà một người  trình bày một thông điệp thuyết phục tới những người khác nhưng kết quả là những người nghe lại ở lập trường ngược lại, không như mong muốn ban đầu.

Hiệu ứng này thường được tạo ra khi tỉ lệ người phản đối lớn hơn số người ủng hộ thông điệp gốc.

Các nghiên cứu cho thấy điều này xảy ra khi một người cảm thấy sự tự do lựa chọn của họ đang bị vi phạm nên đôi khi họ phản ứng bằng cách đi đến lập trường ngược lại.

Một trong những ví dụ dễ nhận thấy nhất chính là các câu mệnh lệnh nơi công cộng, ví dụ như “Cấm đổ rác”, “Cấm bước lên cỏ”,…

Đây là những thông điệp mạnh, có thể gây khó chịu cho người đọc và phần lớn là không hiệu quả (nếu như không có người giám sát hoặc không kèm theo hình phạt).

Thay vào đó, có thể đổi các câu trên thành một dạng thông điệp nhẹ hơn, dễ chịu hơn như: “Làm ơn đừng đổ rác tại đây”, “Xin vui lòng không bước lên cỏ”,…

Tuy nội dung dài hơn nhưng những thông điệp này dễ chịu hơn rất nhiều khi nghe hay đọc được, và ít có khả năng tạo ra hiệu ứng Boomerang hơn.

Hiệu ứng Bouba / Kiki (Bouba / Kiki effect)

Bạn hãy nhìn 2 hình vẽ này và thử đoán xem hình nào là Bouba và hình nào là Kiki nhé!

Hiệu ứng Bouba/Kiki
(Ảnh: Wikipedia)

Hiệu ứng Bouba / Kiki miêu tả việc chúng ta thường liên kết những âm thanh với một số hình ảnh nhất định.

Chẳng hạn như trong ví dụ phía trên, hình bên trái với những góc nhọn sẽ tạo cảm giác liên kết với từ Kiki, còn hình bên phải với những đường nét tròn, mềm mại sẽ gắn với tên Bouba.

Hiệu ứng tâm lý này được quan sát lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học người Đức – Mỹ Wolfgang Köhler năm 1929 trong một thí nghiệm với 2 từ takete baluba. Ông nhận thấy những người tham gia thí nghiệm có xu hướng gắn những hình sắc cạnh với từ takete và những hình tròn, mềm mại với từ baluba. 

Những năm sau đó, thêm nhiều nhà khoa học thí nghiệm tương tự với các từ kiki bouba cho các sinh viên đại học ở Mỹ và những người nói tiếng Tamil ở Ấn Độ, cũng như những nhóm trẻ em từ 4 tháng tuổi đến 2 tuổi rưỡi và đều cho ra kết quả giống nhau.

Các kết quả thí nghiệm cho thấy bộ não con người thường gắn những ý nghĩa trừu tượng vào các hình dáng, âm thanh theo một cách nhất định.

Trong đời sống, hiệu ứng Bouba / Kiki được ứng dụng rộng rãi trong phim ảnh như video dưới đây:

Ngoài ra, một ví dụ vô cùng phổ biến của hiệu ứng Bouba / Kiki là việc đặt tên.

Một số tên đem lại cảm giác nữ tính, dịu dàng và được dùng để đặt tên cho con gái: Hồng, Lan, Mai, Đào,… Một số tên lại mang cảm giác nam tính, mạnh mẽ thường dùng để đặt tên cho con trai: Hùng, Dũng, Kiên, Cường,…

Hiệu ứng búp bê Kewpie (Kewpie doll effect)

Hiệu ứng búp bê Kewpie là một thuật ngữ được sử dụng trong tâm lý học phát triển bắt nguồn từ nghiên cứu trong phong tục học, giúp giải thích cách các đặc điểm thể chất của trẻ (chẳng hạn như trán dài và khuôn mặt tròn) thúc đẩy người chăm trẻ chăm sóc chúng. Các đặc điểm cơ thể của đứa trẻ được cho là giống búp bê Kewpie.

Phong tục học (ethology) liên kết việc nghiên cứu hành vi động vật và quan điểm sinh học với hành vi của con người và tổ chức xã hội.

Nhà phong tục học Konrad Lorenz là người đầu tiên mô tả hiệu ứng búp bê Kewpie và đề xuất ý nghĩa tiến hóa có thể có của hiệu ứng này, tiếp theo là công trình của Thomas Alley vào năm 1981.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những em bé dễ thương hơn, thu hút hơn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của người chăm sóc hơn là những em bé kém thu hút. (Langlois et al., 1995 & Barden et al., 1989)

Tuy nhiên, sự thu hút của trẻ sơ sinh không được coi là một yếu tố trong việc phát triển các mối quan hệ an toàn giữa người chăm sóc và trẻ em, vì hầu hết những đứa trẻ kém hấp dẫn và những đứa trẻ bị dị tật ở sọ và mặt lại thiết lập được mối quan hệ an toàn, tích cực và yêu thương với người chăm sóc của chúng.

Hiệu ứng chắc chắn & hiệu ứng chắc chắn giả (Certainty effect & Pseudocertainty effect)

Hiệu ứng chắc chắn là hiệu ứng tâm lý dự đoán sự không thích rủi ro khi có lãi và tìm kiếm rủi ro khi thua lỗ khi có sự lựa chọn giữa một lựa chọn chắc chắn và một lựa chọn rủi ro. Ý tưởng này được giới thiệu trong lý thuyết triển vọng (prospect theory) bởi Kahneman và Tversky năm 1979.

Hiệu ứng chắc chắn & hiệu ứng chắc chắn giả
(Ảnh: Luminousmen)

Theo 2 tác giả, chúng ta luôn đánh giá những mất mát lớn hơn lợi nhuận nên ta có xu hướng chọn hành động an toàn để tránh tổn thất.

Ví dụ bạn có 2 lựa chọn: một là bạn chắc chắn 100% sẽ nhận được $900, hoặc hai là bạn chỉ có 90% xác suất nhận được $1000, 10% xác suất còn lại bạn sẽ chẳng nhận được đồng nào cả. Vậy bạn sẽ chọn lựa chọn nào?

Trong các thí nghiệm của mình, Kahneman và Tversky cho biết đa số mọi người sẽ chọn lựa chọn đầu tiên, họ muốn có 900 USD một cách chắc ăn và không muốn nhận về 10% rủi ro không có đồng nào cả.

Ở đây, chính sự chắc chắn của lựa chọn đầu tiên đã thu hút bạn. Thông thường, mọi người sẽ chấp nhận một phần thưởng nhỏ hơn nhưng chắc chắn hơn. Đó cũng là lý do tại sao các chương trình khuyến mãi tặng kèm luôn hấp dẫn hơn các chương trình khuyến mãi quay số trúng thưởng.

Điều này ngược lại với sự thua lỗ. Giữa một lựa chọn chắc chắn sẽ bị mất $900 với một lựa chọn có 90% nguy cơ mất $1.000 và 10% cơ hội không mất một đồng nào, thì đa số sẽ chọn lựa chọn thứ hai. Tức là chấp nhận hên xui chỉ để có 10% cơ hội không mất đồng nào còn hơn chắc chắn mất $900.

Tiếp theo, hiệu ứng chắc chắn giả là xu hướng mọi người cảm nhận một kết quả là chắc chắn trong khi nó thực sự không chắc chắn trong quá trình ra quyết định nhiều giai đoạn.

Ví dụ 1: hãy xem xét trò chơi 2 giai đoạn sau.

Giai đoạn 1: bạn có 75% cơ hội kết thúc trò chơi mà không giành được bất cứ điều gì và 25% cơ hội để chuyển sang giai đoạn thứ hai. Nếu bạn đạt đến giai đoạn 2, bạn có sự lựa chọn giữa:

A. Chắc chắn thắng $30

B. 80% cơ hội giành được $45

Bạn phải lựa chọn trước khi trò chơi bắt đầu, tức là trước khi biết kết quả của giai đoạn 1. Vui lòng cho biết lựa chọn mà bạn thích.

Ví dụ 2: bạn thích lựa chọn nào sau đây?

C. 25% cơ hội giành được $30

D. 20% cơ hội để giành được $45

Tương tự, bạn phải lựa chọn trước khi trò chơi bắt đầu.

Mỗi vấn đề được trả lời bởi một nhóm người khác nhau.

Trong ví dụ 1, mọi người ưa thích phương án A hơn với tỷ lệ 74% so với phương án B là 26%, mặc dù lợi nhuận kỳ vọng của phương án B cao hơn.

Trong ví dụ 2, mọi người ưa thích phương án D với tỷ lệ 58% hơn phương án C với tỷ lệ 42%.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các câu trả lời rất đáng ngạc nhiên vì 2 ví dụ được thiết kế làm sao cho có kết quả giống hệt nhau. Các phương án trong ví dụ 2 được thiết kế dưới dạng thu gọn của các lựa chọn trong cả 2 giai đoạn ở ví dụ 1.

(25% cơ hội tiếp tục(giai đoạn 1) x 100%(giai đoạn 2) = 25%) cơ hội giành được $30. Lợi tức dự kiến đều là $7,50 trong phương án A và phương án C.

(25% cơ hội tiếp tục(giai đoạn 1) x 80%(giai đoạn 2) = 20%) cơ hội giành được $45. Lợi tức dự kiến đều là $9 trong phương án B và phương án D.

Kahneman và Tversky gọi tỷ lệ này là kết quả của cái mà họ gọi là hiệu ứng không chắc chắn giả. Họ kết luận rằng khi mọi người đưa ra lựa chọn ở giai đoạn sau của vấn đề, họ thường không nhận ra rằng sự không chắc chắn ở giai đoạn trước đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Điều này đã được quan sát rõ ràng trong ví dụ hai giai đoạn được trình bày ở trên, trong đó vấn đề chỉ chuyển sang giai đoạn thứ hai nếu điều kiện của giai đoạn đầu tiên được đáp ứng.

Trong ví dụ 2, vì các cá nhân không có quyền lựa chọn ở giai đoạn đầu, nên mọi người có xu hướng loại bỏ lựa chọn đầu tiên khi đánh giá xác suất thắng tổng thể, và chỉ xem xét các lựa chọn trong giai đoạn thứ hai mà họ có quyền lựa chọn.

Điều này còn được gọi là sự hủy bỏ, có nghĩa là các lựa chọn có thể mang lại cùng một kết quả, do đó bỏ qua quá trình quyết định trong giai đoạn đó.

Tham khảo thêm về lý thuyết triển vọng trong sách:

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Hiệu ứng chân lý ảo tưởng (Illusory truth effect)

Hiệu ứng chân lý ảo tưởng, còn được gọi là hiệu ứng sự thật (truth effect) là xu hướng tin rằng thông tin sai là đúng sau khi được tiếp xúc nhiều lần.

Hiện tượng này lần đầu tiên được xác định trong một nghiên cứu năm 1977 tại Đại học Villanova và Đại học Temple.

Khi một sự thật được đánh giá, mọi người thường dựa vào việc liệu thông tin có phù hợp với tầm hiểu biết của họ không, hay là thông tin đó có quen thuộc với họ không.

Điều kiện đầu tiên khá hợp lý, khi mà mọi người so sánh thông tin mới với những gì họ đã biết là đúng để đưa ra kết luận thông tin mới là đúng hay sai.

Còn với điều kiện thứ hai, sự lặp đi lặp lại làm cho các thông điệp được xử lý dễ dàng hơn, nên các thông tin đã được lặp lại được kết luận là đúng hơn, đáng tin hơn so với các thông tin mới chưa được lặp lại bao giờ.

Hiệu ứng chân lý ảo tưởng cũng có liên quan đến thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias), trong đó sự hồi tưởng về sự tự tin bị lệch sau khi sự thật đã được tiếp nhận.

Hiệu ứng chân lý ảo tưởng đóng một vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như chiến dịch bầu cử, quảng cáo, truyền thông tin tức và tuyên truyền chính trị.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 1 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng chiếc quạt (Fan effect)

Hiệu ứng chiếc quạt là một hiện tượng tâm lý thuộc nhánh tâm lý học nhận thức, trong đó thời gian nhận biết hoặc tỷ lệ sai sót đối với một khái niệm cụ thể tăng lên khi có thêm thông tin về khái niệm đó.

Từ “chiếc quạt” (fan) đề cập đến nhiều liên kết hoặc mạng lưới ý tưởng của khái niệm, khi được minh hoạ qua sơ đồ trông như tạo thành một cái quạt.

Hiệu ứng chiếc quạt
(Ảnh: Wikipedia)

Hiệu ứng Chiếc quạt lần đầu tiên xuất hiện trong một loạt thí nghiệm do John R. Anderson, nhà tâm lý học nhận thức, thực hiện vào năm 1974.

Kết quả cho thấy những người tham gia khó phân biệt các khái niệm với nhiều mối liên hệ hơn là những khái niệm có ít mối liên hệ.

Ví dụ:

Chuỗi thứ nhất gồm các cụm từ “sách và táo”, “ghế và xe”, “cây và gạo” dễ nhớ hơn so với chuỗi thứ hai gồm các cụm từ “sách và ghế”, “ghế và bàn”, “bàn và táo”.

Chúng ta thường mất nhiều thời gian hơn để nhớ lại sự khác biệt trong chuỗi thứ hai vì có nhiều chi tiết giống nhau hơn do có nhiều liên kết với nhau hơn. Kết quả là thời gian xử lý lâu hơn hoặc xác suất mắc lỗi cao hơn.

Hiệu ứng chim mồi (Decoy effect)

Trong marketing, hiệu ứng chim mồi mô tả cách thức khi chúng ta đang lựa chọn giữa hai lựa chọn thay thế, việc thêm một lựa chọn thứ ba kém hấp dẫn hơn (chim mồi hay mồi nhử) có thể ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về hai lựa chọn ban đầu.

Mồi nhử “chiếm ưu thế bất đối xứng” (asymmetrically dominated): chúng hoàn toàn thua kém một phương án (mục tiêu) nhưng chỉ kém một phần so với phương án kia (đối thủ cạnh tranh). Vì lý do này, hiệu ứng chim mồi đôi khi được gọi là hiệu ứng ưu thế bất đối xứng.

Ví dụ: khi bạn đi cà phê ở Starbucks, bạn có 2 lựa chọn là cốc nhỏ giá €2,5 và cốc lớn giá €3,5 thì bạn sẽ chọn cốc nào? Cứ coi như xác suất bạn chọn 1 trong 2 cốc là 50%, tuỳ vào sở thích của bạn. Nhưng khi có thêm 1 lựa chọn thứ 3 là một cốc lớn với mức giá €5,0 và cốc lớn khi nãy bây giờ chỉ là cốc vừa, bạn sẽ chọn cốc nào?

Hiệu ứng chim mồi
(Ảnh: Acts of exploration)

Theo hiệu ứng chim mồi thì phần lớn mọi người sẽ chọn cốc vừa, đơn giản vì đó là phương án “nằm giữa”, bạn sẽ không cảm thấy ngại như khi mua cốc nhỏ hay cảm thấy tốn tiền khi mua cốc lớn. Lúc này, cốc lớn €5,0 được thêm vào với vai trò là “chim mồi” để xác suất bạn mua cốc €3,5 cao hơn, không còn là 50% như ban đầu nữa.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Phi lý trí – Dan Ariely

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 1 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng chữ cái bị thiếu (Missing letter effect)

Hiệu ứng chữ cái bị thiếu đề cập đến phát hiện rằng khi mọi người được yêu cầu phát hiện các chữ cái đích một cách có ý thức trong khi đọc văn bản, họ bỏ sót nhiều chữ cái hơn trong các từ chức năng (function words) hay gặp (ví dụ: chữ “h” trong “the”) so với các từ nội dung (content words) ít gặp hơn. (Healy, 1976 & 1994)

Hiệu ứng chữ cái bị thiếu còn được gọi là hiệu ứng ưu việt của từđảo ngược (reverse word superiority effect), vì nó mô tả hiện tượng mà các chữ cái trong các từ thường gặp hơn lại khó nhận diện hơn, trong khi lẽ ra việc nhận diện ra những chữ cái đó được hưởng lợi từ việc tăng tần suất từ.

Phương pháp mà các nhà nghiên cứu sử dụng để đo lường hiệu ứng này được gọi là nhiệm vụ phát hiện chữ cái. Nhiệm vụ này sử dụng giấy và bút, những người đọc được yêu cầu khoanh tròn một chữ cái đích, chẳng hạn như chữ “t” mỗi khi họ bắt gặp nó trong khi đọc một đoạn văn.

Hiệu ứng chủng tộc khác (Cross-race or Other-race effect)

Hiệu ứng chủng tộc khác giải thích tại sao một số người nhận diện khuôn mặt của những người thuộc chủng tộc của họ tốt hơn là những người thuộc chủng tộc khác.

Nó đôi khi còn được gọi là thiên vị chủng tộc của mình (Own-race bias).

Nghiên cứu sâu hơn về hiệu ứng chủng tộc khác cũng đã chỉ ra hai 2 kiểu xử lý thông tin để nhận dạng khuôn mặt: theo nét đặc trưng (featural) và theo tổng thể (holistic).

Người ta nhận thấy rằng việc nhận diện khuôn mặt một cách tổng thể thường được sử dụng nhiều hơn trong các tình huống cùng chủng tộc.

Ngoài ra, có một kiểu nữa gọi là hiệu ứng trải nghiệmI (experience effect), nghĩa là khi một người có nhiều trải nghiệm hơn với những người thuộc một chủng tộc cụ thể, người đó sẽ có xu hướng sử dụng kiểu nhận diện khuôn mặt một cách tổng thể với chủng tộc đó.

Nhận diện khuôn mặt theo các nét đặc trưng thường được sử dụng nhiều hơn với những khuôn mặt không quen thuộc (thường là ở chủng tộc khác).

Hiệu ứng cộng hưởng nhóm (Assembly bonus effect)

Hiệu ứng cộng hưởng nhóm cho rằng kết quả hoạt động của cả một nhóm người sẽ tốt hơn kết quả hoạt động của bất cứ cá nhân nào trong nhóm đó hoặc bất cứ sự kết hợp nào của từng cá nhân lại với nhau.

Hiệu ứng tâm lý này được giới thiệu lần đầu vào năm 1964 bởi 2 tác giả Barry E. Collins và Harold Guetzkow qua cuốn Social Psychology of Group Processes for Decision Making.

Hiệu ứng Coolidge (Coolidge effect)

Hiệu ứng Coolidge là một hiện tượng sinh học được thấy ở động vật, theo đó con đực thể hiện hứng thú tình dục mới bất cứ khi nào có con cái mới được giới thiệu để quan hệ tình dục, ngay cả sau khi thoả mãn tình dục với những bạn tình trước đó rồi nhưng nó vẫn còn sẵn sàng để giao phối tiếp.

Hiệu ứng Coolidge
(Nguồn trong ảnh)

Ở một mức độ thấp hơn, ảnh hưởng cũng được thấy ở con cái đối với bạn tình của chúng.

Hiệu ứng Coolidge được cho là làm tăng khả năng đáp ứng tình dục (sexual responsiveness) và rút ngắn thời gian chịu đựng tình dục (sexual refractory period).

Lợi ích tiến hóa của hiện tượng này là những con đực có thể thụ tinh cho nhiều con cái.

Con đực có thể được hồi phục nhiều lần để thụ tinh thành công nhiều con cái.

Kiểu hệ thống giao phối này được gọi là đa thê (polygyny), nơi một con đực sẽ có nhiều bạn tình giống cái, nhưng mỗi cá thể giống cái chỉ được phép giao phối với một hoặc một vài bạn tình giống đực khác.

Hiệu ứng Coolidge được đặt ra vào năm 1958 bởi Frank A. Beach bắt nguồn từ một câu chuyện liên quan tới vợ chồng Tổng thống Mỹ thứ 30 là ông Calvin Coolidge.

Hiệu ứng Crespi (Crespi effect)

Hiệu ứng Crespi, tương tự với hiệu ứng tương phản, được biết đến nhiều hơn với cụm từ sự tương phản về hành vi (behavioral contrast) đề cập đến sự thay đổi về cường độ của một phản hồi xảy ra khi tỷ lệ phần thưởng của phản hồi thứ hai hoặc của phản hồi đầu tiên trong các điều kiện khác nhau bị thay đổi.

Hiệu ứng Crespi được đặt tên theo nhà tâm lý học người Mỹ Leo P. Crespi năm 1942 khi ông thực hiện thí nghiệm trên động vật.

Kết quả thí nghiệm cho thấy sự hấp dẫn của phần thưởng ảnh hưởng đến sự phản hồi của động vật với một nhiệm vụ cụ thể.

Chẳng hạn như khi cho chuột chạy vào một cái mê cung, phần thưởng của chúng càng lớn thì chúng chạy càng nhanh để được nhận thưởng.

Hiệu ứng Crespi
(Ảnh: Peace Saumag)

Ngoài ra, những con chuột ban đầu nhận được phần thưởng nhỏ, sau đó nhận phần thưởng to sẽ có tốc độ chạy nhanh hơn so với những con chuột ban đầu nhận phần thưởng to rồi sau đó nhận phần thưởng nhỏ.

Những hiệu ứng này ban đầu được Crespi đặt tên là phấn chấn (elation) và trầm cảm (depression). Sau đó vào năm 1949, Zeaman đề nghị đổi tên thành tương phản tích cựctương phản tiêu cực.

Như vậy, hiệu ứng Crespihiệu ứng tương phản tuy có vẻ giống nhau và đôi khi được dùng làm tên thay thế của nhau, nhưng có thể thấy là hiệu ứng Crespinhấn mạnh vào sự tương phản về hành vi, đặc biệt là liên quan đến phần thưởng, còn hiệu ứng tương phản thì có hàm ý rộng hơn.

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hiệu ứng đặc điểm hiển hiện (Feature-positive Effect)

Hiệu ứng đặc điểm hiển hiện đề cập đến một xu hướng ở con người nói riêng và động vật nói chung thường gặp khó khăn trong quá trình xử lý thông tin về những thứ không hiển hiện hoặc không xảy ra.

Nói cách khác, não bộ con người cho rằng những gì đang tồn tại, đang hiện hữu có ý nghĩa hơn rất nhiều lần so với những gì không tồn tại, không hiển hiện. Do đó, chúng ta thường tập trung vào những thứ hiển hiện nhiều hơn là những thứ vắng mặt.

Ví dụ:

Bạn hãy xem 2 dãy số sau, các số trong một dãy có đặc điểm gì chung?

Dãy A: 729, 493, 957, 489, 195.

Dãy B: 284, 106, 395, 562, 896.

Khi nào bạn suy luận ra rồi thì hẵng đọc tiếp nhé!

Đáp án là các số trong dãy A đều chứa số 9, còn các số trong dãy B đều không chứa số 7.

Bạn cảm thấy câu trả lời cho dãy A hay dãy B xuất hiện nhanh hơn và dễ dàng hơn?

Đa số mọi người sẽ cảm thấy việc phát hiện ra điểm chung ở dãy A dễ dàng hơn so với dãy B, bởi phát hiện ra cái có mặt dễ hơn là phát hiện ra cái thiếu vắng.

Hiệu ứng tâm lý này trái ngược với hiệu ứng đặc điểm không hiển hiện (Feature-negative effect).

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng đèn gas (Gaslight Effect)

Hiệu ứng đèn gas là một hình thức ngược đãi cảm xúc thường thấy trong các mối quan hệ ngược đãi. Đó là hành động thao túng một người bằng cách buộc họ phải đặt câu hỏi về suy nghĩ, ký ức và những sự kiện xảy ra xung quanh họ. 

Một nạn nhân của hiệu ứng đèn gas có thể bị đẩy đi xa đến mức họ phải tự vấn về sự tỉnh táo của chính mình.

Thuật ngữ “gaslighting” xuất phát từ một vở kịch và sau đó là một bộ phim được gọi là “Gaslight”. Trong phim, người chồng quỷ quyệt (do Charles Boyer thủ vai) thao túng và hành hạ vợ mình (do Ingrid Bergman thủ vai) để thuyết phục cô ấy rằng cô đang bị phát điên.

Gaslighting dù cố ý hay không đều là một hình thức thao túng. Gaslighting có thể xảy ra trong nhiều loại quan hệ khác nhau, bao gồm cả mối quan hệ với sếp, bạn bè và cha mẹ. Nhưng một trong những hình thức kinh hoàng nhất của gaslighting là khi nó xảy ra trong mối quan hệ giữa một cặp vợ chồng.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Hiệu ứng đèn gas – Robin Stern

Hiệu ứng đoàn tàu (Bandwagon effect)

Hiệu ứng đoàn tàu đề cập đến xu hướng mọi người phải áp dụng một hành vi, phong cách hoặc thái độ nhất định chỉ đơn giản là vì mọi người khác đang làm điều đó.

Càng nhiều người áp dụng một xu hướng cụ thể, thì càng có nhiều khả năng những người khác cũng sẽ làm tương tự.

Hiệu ứng đoàn tàu - Bandwagon effect

 

(Ảnh: WUA Global)

Hiệu ứng đoàn tàu là một phần của một nhóm lớn hơn bao gồm các thiên kiến ​​nhận thức hoặc lỗi tư duy ảnh hưởng đến các phán đoán và quyết định mà mọi người đưa ra.

Những thiên kiến ​​nhận thức thường được tạo ra để giúp mọi người có thể suy nghĩ và lập luận nhanh hơn, nhưng đồng thời chúng cũng hay khiến ta đưa ra những nhận định sai lầm.

Hiệu ứng đoàn tàu về cơ bản là một dạng của tư duy tập thể (groupthink).

Khi mà tất cả mọi người dường như đều đang làm một điều gì đó sẽ tạo ra một áp lực to lớn khiến ta phải tuân thủ. Và đó có lẽ là lý do tại sao các hành vi của một “đoàn tàu” (bandwagon) có xu hướng hình thành rất dễ dàng.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng đội cổ vũ (Cheerleader effect)

Hiệu ứng đội cổ vũ (hay hiệu ứng Cheerleader) là một dạng thiên kiến nhận thức khiến chúng ta cảm thấy các cá nhân dường như đẹp hơn, thu hút hơn khi người đó đứng cùng một nhóm người.

Thuật ngữ này đã được chứng thực qua nghiên cứu của Drew Walker và Edward Vul (2013), sau đó là Osch và cộng sự (2015).

Lý giải cho hiện tượng này: con người thường không xử lý các thông tin chi tiết một cách riêng lẻ mà có xu hướng xử lý thông tin theo một nhóm tổng thể (tìm hiểu thêm về top-down processing).

Hiểu đơn giản là chúng ta thường không xử lý thông tin một cách độc lập mà bị tác động bởi môi trường xung quanh.

Khi nhìn vào một nhóm người, chúng ta sẽ có xu hướng nhìn tổng thể cả nhóm đó và tạo ra một “gương mặt trung bình” của cả nhóm. Điều này giúp cân bằng các ưu và khuyết điểm trên gương mặt của từng người.

Một ví dụ dễ nhận thấy là Ảo giác Ebbinghaus như hình dưới đây.

Hiệu ứng đội cổ vũ
(Ảnh: Shutterstock)

Các hình tròn màu xanh có kích cỡ bằng nhau, nhưng hình tròn xanh bên trái khiến chúng ta có cảm giác nhỏ hơn bên phải.

Lý do là bởi các hình tròn đen bao quanh của hình bên trái và bên phải có kích thước khác nhau, và vì thế ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về hình tròn xanh ở giữa.

Ứng dụng trong đời sống

Thay vì chụp ảnh cá nhân, bạn hãy chụp ảnh theo nhóm, hoặc khi đi đến những nơi nào mà bạn muốn thu hút ánh nhìn của người khác, hãy đi theo nhóm 😉

Hiệu ứng đội cổ vũ khá tương đồng với hiệu ứng bối cảnh (context effect) được nhắc đến phía trên.

Hiệu ứng đóng khung tâm lý (Framing effect)

Hiệu ứng đóng khung tâm lý là một thiên kiến nhận thức, nơi mọi người quyết định các lựa chọn dựa trên việc các lựa chọn đó được trình bày với hàm ý tích cực hay tiêu cực.

Mọi người có xu hướng tránh rủi ro khi đưa ra khung tích cực nhưng lại tìm kiếm rủi ro khi đưa ra khung tiêu cực.

Được và mất (gain and loss) được định nghĩa dưới dạng mô tả về kết quả (ví dụ: số người bị chết hoặc được cứu sống, bệnh nhân mắc bệnh được điều trị và không được điều trị,…).

Hiệu ứng đóng khung tâm lý
(Ảnh: The Decision Lab)

Với ví dụ trong ảnh, trong 2 cách diễn đạt 20% chất béo và 80% không chất béo thì mọi người có xu hướng lựa chọn sản phẩm có cách diễn đạt thứ 2 hơn, mặc dù tỉ lệ chất béo trong 2 sản phẩm là giống hệt nhau.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Hiệu ứng đồng nhất khác nhóm (Out-group homogeneity effect)

Hiệu ứng đồng nhất khác nhóm là nhận thức cho rằng các thành viên khác nhóm có vẻ giống nhau hơn là các thành viên cùng nhóm.

Nói cách khác, những người thuộc cùng một nhóm có xu hướng cảm thấy các thành viên cùng nhóm mình đa dạng hơn, còn các thành viên trong các nhóm khác có vẻ giống nhau hay đồng nhất với nhau hơn.

Hiệu ứng đồng nhất khác nhóm đã xuất hiện ở nhiều nhóm xã hội khác nhau, từ các nhóm chính trị, các nhóm chủng tộc cho đến các nhóm về tuổi và giới tính.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng đồng thuận giả (False-consensus effect)

Trong tâm lý học, hiệu ứng đồng thuận giả còn được gọi là thiên kiến đồng thuận (consensus bias), là một thiên kiến nhận thức phổ biến khiến mọi người “coi những lựa chọn và phán đoán hành vi của họ là tương đối phổ biến và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại”.

Hiệu ứng đồng thuận giả
(Ảnh: Learning Mind)

Nói cách khác, họ cho rằng những phẩm chất, đặc điểm, niềm tin và hành động cá nhân của họ tương đối phổ biến trong cộng đồng nói chung.

Một trong những nguyên nhân có thể có của hiệu ứng đồng thuận giả liên quan đến cái được gọi là suy nghiệm sẵn có (availability heuristic). Khi chúng ta cố gắng ước tính mức độ phổ biến hoặc khả năng xảy ra của một điều gì đó, chúng ta có xu hướng xem xét các ví dụ nảy ra trong đầu một cách dễ dàng nhất.

Về cơ bản, điều này có nghĩa là hiệu ứng đồng thuận giả khiến mọi người cho rằng những người khác nghĩ và hành động giống với cách mà họ làm, ngay cả khi không phải vậy.

Người Việt Nam cũng có một câu tục ngữ mang hàm ý tương tự: “Suy bụng ta ra bụng người”.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng độc nhất giả (False-uniqueness effect)

Hiệu ứng độc nhất giả (hay sai lầm về tính duy nhất) là một dạng thiên kiến nhận thức trong tâm lý học xã hội mô tả cách mọi người có xu hướng coi những phẩm chất, đặc điểm và thuộc tính cá nhân của họ là duy nhất trong khi thực tế không phải như vậy.

Thông thường, thiên kiến này được đánh giá bằng cách thu thập các ước lượng mà mọi người đưa ra về tỷ lệ những người cùng trang lứa có những đặc điểm / hành vi tích cực hoặc tiêu cực với tỷ lệ thực tế những người có các đặc điểm và hành vi đó.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người thường đánh giá thấp tỷ lệ những người cũng cư xử theo cách xã hội mong muốn và đánh giá cao tỷ lệ những hành vi mà xã hội không mong muốn.

Đọc thêm:  5 hiệu ứng tâm lý áp dụng vào viết content

Ví dụ:

Những người chăm tập thể dục (đây là hành vi mà xã hội mong muốn) có xu hướng cho rằng tỷ lệ những người chăm tập thể dục như mình thấp hơn so với số liệu thực tế (kiểu “Mọi người thường rất lười tập thể dục!”).

Ngược lại, những người hút thuốc lá (hành vi mà xã hội không mong muốn) lại có xu hướng cho rằng tỷ lệ những người hút thuốc lá giống mình cao hơn so với thực tế (kiểu “Số người hút thuốc nhiều mà!”).

Hiệu ứng tâm lý này trái ngược với hiệu ứng đồng thuận giả, trong đó mọi người có xu hướng đánh giá quá cao mức độ mà họ cho rằng thái độ và hành vi của họ là bình thường và cũng điển hình như những người khác.

Cả hai đều liên quan đến lòng tự trọng, là một yếu tố quan trọng trong việc xác định cách mọi người nhìn vào hành vi của họ. Mọi người có xu hướng trải nghiệm hiệu ứng độc nhấtgiả đối với các đặc điểm mong muốn của họ, trong khi họ áp dụng hiệu ứng đồng thuận giả để biện minh cho các đặc điểm tiêu cực.

Hiệu ứng đường đi tốt (Well-travelled road effect)

Hiệu ứng đường đi tốt là một thiên kiến nhận thức, trong đó du khách sẽ ước tính thời gian cần thiết để đi qua các tuyến đường khác nhau tùy thuộc vào mức độ quen thuộc của họ với tuyến đường. Các tuyến đường quen thuộc được đánh giá là có thời gian đi ngắn hơn các tuyến đường xa lạ. (Allan, 1979 và Zakay et al., 2004)

Hiệu ứng này gây ra sai lầm khi ước tính tuyến đường hiệu quả nhất đến một điểm đến xa lạ, khi một lựa chọn gồm các tuyến đường quen thuộc, và một lựa chọn khác bao gồm các tuyến đường xa lạ.

Hiệu ứng đường đi tốt xảy ra nổi bật nhất khi đối tượng đang lái xe, nhưng vẫn có thể phát hiện được đối với người đi bộ và người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Hiệu ứng này đã được quan sát trong nhiều thế kỷ nhưng lần đầu tiên được nghiên cứu một cách khoa học vào những năm 1980 và 1990 sau công trình “Suy nghiệm và Thiên kiến” (Heuristics and Biases) do Daniel Kahneman và Amos Tversky thực hiện.

Hiệu ứng Florence Nightingale (Florence Nightingale effect)

Hiệu ứng Florence Nightingale (hay còn được gọi là Hội chứng Florence Nightingale) miêu tả những trường hợp khi mà một người chăm sóc phải lòng bệnh nhân của họ, ngay cả khi rất ít giao tiếp hoặc tiếp xúc diễn ra bên ngoài sự chăm sóc cơ bản. Cảm giác có thể mất dần khi bệnh nhân không còn cần được chăm sóc.

Florence Nightingale là nhà tiên phong trong lĩnh vực điều dưỡng vào nửa sau của thế kỷ 19.

Nightingale được coi là người sáng lập ra ngành điều dưỡng hiện đại. Không có tài liệu nào về việc cô đã từng yêu một trong những bệnh nhân của mình. Trên thực tế, mặc dù có nhiều người cầu hôn, cô ấy chưa bao giờ kết hôn vì sợ điều đó có thể cản trở công việc điều dưỡng của cô ấy.

Hiệu ứng tâm lý này được đặt theo tên của Florence vì lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của bà đối với bệnh nhân.

Ảnh hưởng của hiệu ứng Florence Nightingale sẽ khác nhau tùy thuộc vào người chăm sóc và bệnh nhân. Một trong hai cá nhân có thể nảy sinh tình cảm vô hại hoặc yêu đối phương. Các tác động sẽ vô hại trừ khi một cá nhân hành động theo những cảm giác đó.

Hiệu ứng Flynn (Flynn effect)

Hiệu ứng Flynn đề cập đến sự gia tăng quan sát được về điểm số IQ theo thời gian, dẫn đến các chuẩn mực bị lỗi thời.

Hiệu ứng Flynn
(Ảnh: Anderssorman Nilsson)

Hiệu ứng Flynn được đặt tên theo James R. Flynn, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu để ghi lại nó và thúc đẩy nhận thức về những tác động của hiệu ứng này. Bản thân thuật ngữ này được đặt ra bởi Richard Herrnstein và Charles Murray, tác giả của The Bell Curve.

Mặc dù thuật ngữ chung cho hiện tượng là “sự gia tăng thế tục trong điểm IQ”, nhiều sách giáo khoa về tâm lý học và các bài kiểm tra IQ hiện đã theo sự dẫn dắt của Herrnstein và Murray khi gọi hiện tượng này là hiệu ứng Flynn.

Bởi vì chỉ số IQ gia tăng theo thời gian, các bài kiểm tra IQ phải được chuẩn hóa liên tục để các đối tượng không bị cho điểm theo các tiêu chuẩn không chính xác. Sử dụng các chỉ số IQ lỗi thời có thể gây ra nhiều vấn đề đặc biệt là khi so sánh điểm số giữa các nhóm và quần thể khác nhau.

Hiệu ứng Galatea, hiệu ứng Pygmalion và Lời tiên tri tự hoàn thành (Galatea effect, Pygmalion effect & Self-fulfilling prophecies)

Hiệu ứng Galateahiệu ứng Pygmalion thường được nhắc đến và hay đi kèm với nhau vì 2 hiệu ứng này có sự liên quan chặt chẽ về nguồn gốc, bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại Hy Lạp cổ về Pygmalion.

Trong thần thoại, Galatea là bức tượng được điêu khắc bởi vị vua cổ đại của Cyprus, Pygmalion. Sau khi tạc cô, Pygmalion nhanh chóng yêu Galatea và cầu nguyện với các vị thần, xin họ cho bức tượng trở thành người sống. Nữ thần Aphrodite đã đáp lại lời cầu nguyện của chàng và khiến nàng sống lại và hai người đã kết hôn.

Hiệu ứng Galateahiệu ứng Pygmalion được lấy theo tên của 2 nhân vật này, với ý nghĩa trái ngược nhau.

Hiệu ứng Pygmalion (hay hiệu ứng Rosenthal) là một hiện tượng tâm lý miêu tả việc kỳ vọng của người lãnh đạo cao dẫn đến hiệu suất của những người được dẫn dắt được cải thiện tốt hơn trong một lĩnh vực nhất định.

Nói cách khác, hiệu ứng Pygmalion cho rằng việc cấp trên tin tưởng và kỳ vọng cao về cấp dưới, thì cấp dưới có xu hướng cố gắng phấn đấu để đạt được thành công như kỳ vọng của cấp trên.

Ngược lại, hiệu ứng Galatea là một dạng lời tiên tri tự hoàn thành (self-fulfilling prophecies), cho rằng việc một người tin tưởng vào bản thân và đặt ra những kỳ vọng cao cho bản thân sẽ giúp người đó tự phấn đấu để đạt được những kỳ vọng đó.

Hiệu ứng Galatea, hiệu ứng Pygmalion và Lời tiên tri tự hoàn thành
(Ảnh: Buzzle)

Trong thực tế, 2 hiệu ứng tâm lý này gặp rất nhiều ở môi trường giáo dục. Khi giáo viên gieo những niềm tin tích cực, những kỳ vọng vào đứa trẻ nào, đứa trẻ đó có xu hướng trở thành người giống như kỳ vọng của giáo viên đó.

Bản thân đứa trẻ khi được tin tưởng, được gieo những niềm tin tích cực về bản thân, đứa trẻ cũng dần tin vào chính bản thân mình và cuối cùng trở thành mẫu người mà mình mong muốn.

Hiệu ứng Pygmalionhiệu ứng Galatea áp dụng theo hướng tiêu cực cũng sẽ đem lại kết quả tệ hơn, và trường hợp này các nhà nghiên cứu gọi là hiệu ứng Golem.

Hiệu ứng Golem (Golem effect)

Hiệu ứng Golem là một hiện tượng tâm lý trong đó việc những người giám sát hoặc những cá nhân đặt ra những kỳ vọng thấp hơn vào cá nhân đó dẫn đến kết quả hoạt động kém hơn của cá nhân.

Hiệu ứng Golem
(Ảnh: Buzzle)

Hiệu ứng tâm lý này được đặt theo tên của Golem, một sinh vật được tạo nên từ đất sét và bùn, được giáo sĩ Do Thái ở Prague ban cho sự sống trong thần thoại Do Thái.

Theo truyền thuyết, Golem ban đầu được tạo ra để bảo vệ người Do Thái ở Prague. Tuy nhiên, theo thời gian, Golem ngày càng trở nên hư hỏng đến mức bùng phát bạo lực dữ dội ngoài tầm kiểm soát và phải bị tiêu diệt.

Hiệu ứng này được Babad, Inbar và Rosenthal đặt tên theo truyền thuyết Golem vào năm 1982 bởi vì nó “đại diện cho những mối quan tâm của các nhà khoa học xã hội và giáo dục, vốn tập trung vào những tác động tiêu cực của những lời tiên tri tự hoàn thành”.

Hiệu ứng giả dược và hiệu ứng nocebo (Placebo effect & Nocebo effect)

Hiệu ứng giả dược là hiện tượng sức khoẻ của bệnh nhân được quan sát thấy có sự cải thiện, mặc dù người đó nhận được giả dược thay vì điều trị y tế tích cực.

Trong y học, giả dược (placebo) là một chất, thuốc viên hoặc phương pháp điều trị khác trông có vẻ là một biện pháp can thiệp y tế nhưng lại không phải. Giả dược đặc biệt quan trọng trong các thử nghiệm lâm sàng, trong đó chúng thường được đưa cho những người tham gia trong nhóm đối chứng.

Có một điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các tác dụng giả dược đều có lợi. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể tồi tệ hơn thay vì cải thiện khi dùng giả dược. Đây được gọi là hiệu ứng nocebo.

Các cơ chế của hiệu ứng giả dượchiệu ứng nocebo được cho là tương tự nhau, cả hai đều liên quan đến những thứ như điều kiện và kỳ vọng.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Phi lý trí – Dan Ariely

Hiệu ứng giãn cách (Spacing effect)

Hiệu ứng giãn cách giải thích rằng việc học sẽ hiệu quả hơn khi được lặp lại trong các buổi học cách nhau. Bằng cách lặp lại và tách rời thông tin mà cá nhân học được, họ có thể nhớ lại thông tin đó tốt hơn trong tương lai.

Hiệu ứng giãn cách xảy ra khi thông tin được học lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài cách nhau, giúp chúng ta có thể nhớ lại tốt hơn và ghi nhớ được thông tin đã học.

Hiệu ứng giãn cách
(Ảnh: Farnam Street)

Hiệu ứng tâm lý này chứng minh rằng nhiều thông tin hơn được mã hóa vào bộ nhớ dài hạn của chúng ta khi được nghiên cứu trong các phiên cách nhau, một quá trình thường được gọi là lặp lại cách nhau (spaced repetition).

Một ví dụ điển hình về việc ứng dụng hiệu ứng giãn cách là những người học từ vựng tiếng Anh bằng flashcard, hay việc ôn lại bài sau từng khoảng thời gian và duy trì đến khi kiểm tra, thi cử,…

Cách này trái ngược với việc lưu giữ thông tin bằng cách hấp thụ một lượng lớn thông tin trong một thời gian ngắn (massed presentation) – một thói quen học tập thường được gọi là nhồi nhét (cramming).

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hiệu ứng Google (Google effect)

Hiệu ứng Google, còn được gọi là chứng quên kỹ thuật số (digital amnesia) là xu hướng quên thông tin có thể tìm thấy trực tuyến dễ dàng bằng cách sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet.

Theo nghiên cứu đầu tiên về hiệu ứng Google, mọi người ít có khả năng nhớ một số chi tiết mà họ tin rằng sẽ có thể truy cập trực tuyến (online). Tuy nhiên, nghiên cứu cũng tuyên bố rằng khả năng tìm hiểu thông tin ngoại tuyến (offline) của mọi người vẫn như nhau.

Hiệu ứng này cũng có thể được coi là sự thay đổi đối với thông tin nào và mức độ chi tiết nào được coi là quan trọng cần ghi nhớ.

Hiệu ứng Google lần đầu tiên được mô tả và đặt tên bởi Betsy Sparrow (Columbia), Jenny Liu (Wisconsin) và Daniel M. Wegner (Harvard) trong bài báo của họ từ tháng 7 năm 2011.

Sparrow và cộng sự ban đầu tuyên bố rằng sự phụ thuộc vào máy tính là một dạng trí nhớ chuyển hóa (transactive memory), bởi vì mọi người có thể chia sẻ thông tin với nhau một cách dễ dàng, nên họ quên đi những gì họ nghĩ sẽ có thể tìm lại sau đó, và họ nhớ vị trí tìm thông tin tốt hơn chính thông tin đó.

Hiệu ứng hào quang (Halo effect)

Hiệu ứng hào quang (đôi khi được gọi là lỗi hào quang – halo error) là xu hướng ấn tượng được tạo ra ở một lĩnh vực ảnh hưởng đến ý kiến ở lĩnh vực khác.

Hiệu ứng hào quang
(Ảnh: Verywellmind)

Một ví dụ đơn giản về hiệu ứng hào quang là khi một cá nhân nhận thấy một người trong ảnh hấp dẫn, chải chuốt và ăn mặc chỉnh tề, cá nhân đó sẽ giả định rằng người trong ảnh là người tốt dựa trên các quy tắc xã hội của cá nhân đó. (Thorndike, 1920 & Nisbett et al., 1977)

Sai lầm liên tục trong phán đoán này phản ánh sở thích, định kiến, hệ tư tưởng, nguyện vọng và nhận thức xã hội của mỗi người.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 1 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng IKEA (IKEA effect)

Hiệu ứng IKEA, được đặt theo tên của “gã khổng lồ” nội thất đến từ Thụy Điển, mô tả cách mọi người có xu hướng đánh giá cao một đồ vật hơn nếu họ tự làm (hoặc lắp ráp) nó.

Do hiệu ứng IKEA, chúng ta thường sẵn sàng chi thêm tiền cho những trải nghiệm đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, chẳng hạn như tự lắp ráp đồ nội thất thay vì mua những sản phẩm đã được lắp sẵn.

Chắc chắn là những trải nghiệm này có thể rất thú vị và khiến ta cảm thấy xứng đáng, nhưng điều này vẫn có thể khiến chúng ta chi tiêu quá mức cần thiết.

Hiệu ứng IKEA cũng có thể cho chúng ta thấy một hình ảnh sai lệch về việc chúng ta đã hoàn thành công việc tốt như thế nào khi bỏ công sức làm một việc gì đó thật chăm chỉ, và khiến chúng ta trở nên quá tự tin.

Các công ty đang tìm cách tăng lợi nhuận của mình có thể khai thác hiệu ứng IKEA bằng cách tính giá cao không cần thiết cho một sản phẩm, ngay cả khi khách hàng tự chịu chi phí bỏ ra.

Một số doanh nghiệp nhất định như IKEA và Build-a-Bear có mô hình kinh doanh tập trung vào việc chúng ta phải trả tiền cho sức lao động của chính mình.

Hiệu ứng IKEA có thể khiến chúng ta bỏ qua thực tế rằng chúng ta đang nhận được một thỏa thuận tồi: vừa mất tiền vừa mất sức.

Hiệu ứng IKEA rất giống với một thiên kiến nhận thức khác được gọi là hiệu ứng sở hữu, trong đó mọi người thường đánh giá cao các món đồ hơn nếu chúng thuộc về mình hoặc ngay cả khi họ chỉ cảm thấy có quyền sở hữu chúng.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Phi lý trí – Dan Ariely

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 2 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng ít hơn là nhiều hơn (Less-is-more effect)

Hiệu ứng ít hơn là nhiều hơn đề cập đến phát hiện rằng các chiến lược ra quyết định dựa vào suy nghiệm (heuristic) có thể mang lại kết quả chính xác hơn so với các chiến lược sử dụng nhiều thông tin hơn.

Nói cách khác, không phải lúc nào việc có nhiều thông tin hơn, có thể suy xét, tính toán nhiều hơn cũng sẽ đem đến những quyết định chính xác hơn so với việc quyết định dựa vào những kinh nghiệm sẵn có.

Các suy nghiệm đạt được độ chính xác này nhờ vào việc cách khai thác thành công các khả năng về tinh thần và cấu trúc môi trường đã tiến hóa.

Thuật ngữ “ít hơn là nhiều hơn” ở đây không đề cập đến việc ít thông tin hơn thì sẽ có kết quả tốt hơn. Nó đề cập đến một điểm mà tại đó việc có nhiều thông tin hơn hay nhiều sự tính toán hơn trở thành bất lợi khi đưa ra quyết định.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Phi lý trí – Dan Ariely

Nghịch lý của sự lựa chọn – Barry Schwartz

Hiệu ứng ít hơn thì tốt hơn (Less-is-better effect)

Hiệu ứng ít hơn thì tốt hơn là một kiểu đảo ngược ưu tiên (preference reversal) xảy ra khi một lựa chọn ít giá trị hơn của một lời đề nghị được ưa thích hơn khi được đánh giá riêng lẻ, nhưng khi được đánh giá cùng nhau thì lại không được ưa thích bằng.

Thuật ngữ này lần đầu tiên được đề xuất bởi Christopher Hsee trong một nghiên cứu năm 1998, thực hiện trong ba bối cảnh:

(1) một người tặng một chiếc khăn $45 (từ những chiếc khăn có giá từ $5 – $50) được cho là hào phóng hơn một người tặng một chiếc áo khoác $55 (từ những chiếc áo khoác có giá từ $50 – $500);

(2) một cốc kem quá đầy với 7 oz kem được đánh giá cao hơn một cốc kem có 8 oz kem nhưng chỉ lưng lửng, không đầy; (lưu ý: oz là viết tắt của Ounce – đơn vị đo khối lượng ở một số nước);

(3) một bộ bát đĩa với 24 chiếc nguyên vẹn được đánh giá cao hơn một bộ có 31 chiếc nguyên vẹn (bao gồm cả 24 chiếc giống bộ kia) cộng với một vài chiếc bị vỡ.

Hsee lưu ý rằng hiệu ứng ít hơn thì tốt hơn được quan sát thấy “chỉ khi các lựa chọn được đánh giá riêng biệt và sẽ tự đảo ngược khi các lựa chọn được đặt cạnh nhau.”

Hsee giải thích những kết quả có vẻ phản trực giác này: “về mặt giả thuyết đánh giá (evaluability hypothesis), những đánh giá riêng biệt về các đối tượng thường bị ảnh hưởng bởi các thuộc tính dễ đánh giá hơn là các thuộc tính quan trọng.”

Lưu ý là hiệu ứng ít hơn thì tốt hơn khác với hiệu ứng ít hơn là nhiều hơn đã được đề cập phía trên.

Tham khảo thêm về đảo ngược ưu tiên trong sách:

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Hiệu ứng khán giả (Audience effect)

Hiệu ứng khán giả là một dạng của sự hỗ trợ xã hội (social facilitation), cho rằng màn biểu diễn của một cá nhân bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của những người khác (ví dụ như khán giả), khiến phản ứng ưu thế của cá nhân đó xảy ra. 

Hiệu ứng khán giả giải thích lý do tại sao sự hiện diện của khán giả khiến cho con người biểu diễn tốt hơn trong một số trường hợp này và tệ hơn trong một vài trường hợp khác, do những áp lực về tâm lý hay sự căng thẳng.

Hiệu ứng tâm lý - Hiệu ứng khán giả

 

Ảnh: Toquoc.vn

Sự hỗ trợ xã hội có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào loại nhiệm vụ: mọi người có xu hướng trải nghiệm sự hỗ trợ xã hội khi họ đã quen thuộc với một nhiệm vụ hoặc các kỹ năng cần thiết của họ đã làm tốt.

Tuy nhiên, sự ức chế xã hội (social inhibition – sự giảm hiệu suất khi có mặt người khác) lại xảy ra đối với các nhiệm vụ khó hoặc mới lạ.

Hiệu ứng khó-dễ (Hard–easy effect)

Hiệu ứng khó-dễ là thiên kiến nhận thức biểu hiện dưới dạng xu hướng đánh giá quá cao xác suất thành công của một người đối với một nhiệm vụ được coi là khó và đánh giá thấp khả năng thành công của một người đối với một nhiệm vụ được coi là dễ dàng.

Hiệu ứng khó-dễ xảy ra, ví dụ, khi các cá nhân thể hiện mức độ thiếu tự tin khi trả lời các câu hỏi tương đối dễ và mức độ tự tin quá mức khi trả lời các câu hỏi tương đối khó.

Hiệu ứng khó-dễ xảy ra thuộc về lý thuyết so sánh xã hội (social comparison theory), lý thuyết ban đầu được Leon Festinger đưa ra vào năm 1954.

Festinger lập luận rằng các cá nhân được thúc đẩy để đánh giá chính xác ý kiến và khả năng của mình, và lý thuyết so sánh xã hội giải thích cách các cá nhân thực hiện những đánh giá đó bằng cách so sánh mình với những người khác.

Năm 1980, Ferrell và McGoey gọi nó là hiệu ứng phân biệt đối xử (discriminability effect); năm 1992, Griffin và Tversky gọi nó là hiệu ứng khó khăn (difficulty effect). (Juslin et al., 2000)

Hiệu ứng khởi đầu mới (Fresh Start effect)

Hiệu ứng khởi đầu mới nói rằng mọi người sẽ đạt được mục tiêu tốt hơn khi họ bắt đầu vào những mốc thời gian tạm thời (ví dụ như ngày đầu của năm mới, ngày đầu tháng, ngày đầu đầu / cuối tuần,…).

Hiệu ứng khởi đầu mới là một kiểu thiết lập lại tâm lý, một chiến lược có thể hữu ích trong việc phục hồi sau thất bại trước đó.

Tuy nhiên, việc thiết lập lại hiệu suất và bắt đầu lại không phải lúc nào cũng có lợi cho bạn, đặc biệt là khi trước đó bạn thành công chứ không phải thất bại.

Tóm lại là nếu những gì bạn đang làm có kết quả tốt thì việc đặt ra một “khởi đầu mới” không có ý nghĩa gì lắm và thậm chí kết quả còn tệ hơn hiện tại, vì khi đó bạn chỉ đang tiếp tục thực hiện nó thôi chứ không phải là bắt đầu lại.

Còn nếu bạn gặp thất bại trong những việc đang làm, thì việc đặt ra một “khởi đầu mới” sẽ tạo động lực giúp bạn lấy lại tinh thần và đứng lên sau vấp ngã.

Hiệu ứng kiểm tra (Testing effect)

Hiệu ứng kiểm tra là một phát hiện cho rằng trí nhớ dài hạn thường được tăng lên khi một số giai đoạn học tập được dành ra để truy xuất thông tin cần ghi nhớ. Hiểu nôm na là việc kiểm tra giúp ghi nhớ tốt hơn so với việc học đi học lại các thông tin.

Hiệu ứng kiểm tra
(Ảnh: OpenPSYC – Blogger)

Hiệu ứng tâm lý này rất hữu ích cho mọi người để kiểm tra kiến thức của họ về tài liệu cần ghi nhớ trong quá trình học tập, thay vì chỉ đọc hoặc nghiên cứu tài liệu một cách thụ động.

Ví dụ: một học sinh có thể sử dụng thẻ từ vựng (flashcard) để tự kiểm tra và ôn tập khi học.

Các nghiên cứu thực nghiệm được ghi nhận đầu tiên về hiệu ứng kiểm tra được xuất bản vào năm 1909 bởi Edwina E. Abbott.

Hai yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thử nghiệm là phản hồi (feedback) và khả năng truy xuất thông tin (retrievability).

Việc đưa ra phản hồi, chủ yếu dưới dạng thấy được câu trả lời đúng, giúp làm tăng hiệu quả của hiệu ứng kiểm tra.

Khả năng truy xuất thông tin trong ngữ cảnh này mô tả sự thành công trong việc nhớ lại được nội dung đã học, dẫn đến các câu trả lời chính xác trong bài kiểm tra. Do đó, khả năng truy xuất có thể được đo bởi độ khó (tính điểm) của các câu hỏi trong bài kiểm tra.

Hiệu ứng kính viễn vọng (Telescoping effect)

Trong tâm lý học nhận thức, hiệu ứng kính viễn vọng (hay thiên kiến kính viễn vọng) đề cập đến những nhận thức không chính xác về thời gian, theo đó mọi người cảm nhận các sự kiện xảy ra gần đây có vẻ đã xảy ra lâu rồi (dịch chuyển lùi lại – backward telescoping), và các sự kiện đã xảy ra lâu rồi lại cảm thấy như vừa mới xảy ra (dịch chuyển tiến lên – forward telescoping).

Thuật ngữ “kính viễn vọng” xuất phát từ ý tưởng rằng thời gian dường như thu hẹp về phía hiện tại theo cách mà khoảng cách đến các vật thể dường như thu hẹp lại khi chúng được nhìn qua kính viễn vọng.tâ

Hiệu ứng kính viễn vọng
(Ảnh: Wikipedia)

Lỗi trong trí nhớ này có thể xảy ra bất cứ khi nào chúng ta đưa ra các giả định tạm thời về các sự kiện trong quá khứ.

3 năm là khung thời gian xấp xỉ được coi như một cái mốc, trong đó các sự kiện xảy ra gần đây bị dịch chuyển từ thời điểm hiện tại lùi về thời điểm 3 năm, cũng như các sự kiện xảy ra từ hơn 3 năm trước thì bị dịch chuyển tiến dần đến 3 năm gần đây.

Mặc dù hiệu ứng kính viễn vọng xảy ra theo cả 2 hướng tiến và lùi, nhưng nói chung dạng dịch chuyển tiến lên phổ biến hơn dạng dịch chuyển lùi lại.

Hiệu ứng Kuleshov (Kuleshov effect)

Hiệu ứng Kuleshov là một hiệu ứng dựng phim do nhà làm phim Liên Xô Lev Kuleshov thể hiện trong những năm 1910 và 1920. Đó là một hiện tượng tinh thần mà người xem nhận ra nhiều ý nghĩa hơn từ sự tương tác của hai cảnh quay liên tiếp hơn là từ một cảnh quay riêng lẻ.

Kuleshov đã biên tập một đoạn phim ngắn, trong đó cảnh quay khuôn mặt vô cảm của thần tượng thời Sa hoàng Ivan Mosjoukine được xen kẽ với nhiều cảnh khác (một bát súp, một cô gái trong quan tài, một người phụ nữ trên một chiếc divan).

Bộ phim được chiếu cho một khán giả tin rằng biểu cảm trên khuôn mặt của Mosjoukine khác nhau mỗi lần anh ta xuất hiện, tùy thuộc vào việc anh ta đang “nhìn” vào bát súp, cô bé nằm trong quan tài hay người phụ nữ trên divan, tương ứng là biểu hiện của đói, đau buồn hoặc ham muốn.

Thực tế, các cảnh quay của Mosjoukine chỉ là một cảnh lặp đi lặp lại mỗi lần xuất hiện.

Vsevolod Pudovkin (người sau này tuyên bố là người đồng sáng tạo ra thí nghiệm) đã mô tả vào năm 1929 cách khán giả say sưa về diễn xuất như tâm trạng trầm ngâm nặng nề của anh ta về món súp bị bỏ quên, bị xúc động bởi nỗi buồn sâu sắc mà anh ta nhìn vào đứa trẻ đã chết, và sự thèm muốn khi anh ta quan sát người phụ nữ.

Mặc dù họ biết rằng trong cả ba trường hợp, khuôn mặt của Mosjoukine  giống hệt nhau.

Kuleshov đã sử dụng thí nghiệm để chỉ ra tính hữu ích và hiệu quả của việc biên tập phim.

Hàm ý là người xem đã đem những phản ứng cảm xúc của riêng họ đối với chuỗi hình ảnh này quy cho diễn viên, trao cho vẻ mặt thản nhiên của Mosjoukine bằng cảm xúc của chính họ.

Kuleshov tin rằng điều này, cùng với việc dựng phim, phải là nền tảng của điện ảnh như một loại hình nghệ thuật độc lập.

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hiệu ứng kỳ vọng của đối tượng (Subject-expectancy effect)

Trong nghiên cứu khoa học và tâm lý trị liệu, hiệu ứng kỳ vọng của đối tượng là một dạng phản ứng xảy ra khi đối tượng nghiên cứu mong đợi một kết quả nhất định và do đó tác động đến kết quả đó một cách vô thức hoặc báo cáo lại kết quả mong đợi.

Vì hiệu ứng này có thể làm sai lệch đáng kể các kết quả thí nghiệm (đặc biệt là trên đối tượng người), phương pháp mù đôi (double-blind methodology) được sử dụng để loại bỏ hiệu ứng.

Giống như hiệu ứng kỳ vọng của người quan sát được nhắc đến ngay dưới đây, hiệu ứng này thường là nguyên nhân gây ra các kết quả “kỳ quặc” trong nhiều thí nghiệm.

Hiệu ứng kỳ vọng của đối tượng thường thấy nhất trong y học, nơi nó có thể khiến đối tượng trải qua hiệu ứng giả dược hoặc hiệu ứng nocebo, tùy thuộc vào cách ảnh hưởng lan ra.

Hiệu ứng kỳ vọng của người quan sát (Observer-expectancy effect)

Hiệu ứng kỳ vọng của người quan sát (còn được gọi là hiệu ứng kỳ vọng của người thí nghiệm – experimenter expectancy effect, thiên kiến kỳ vọng hay hiệu ứng người quan sát) là một dạng phản ứng trong đó thiên kiến nhận thức của nhà nghiên cứu khiến họ vô thức gây ảnh hưởng đến những người tham gia thí nghiệm.

Thiên kiến xác nhận có thể dẫn đến việc người thí nghiệm diễn giải kết quả không chính xác bởi xu hướng tìm kiếm thông tin phù hợp với giả thuyết của họ và bỏ qua thông tin lập luận chống lại nó.

Đây là một mối đe dọa đáng kể đối với giá trị nội tại (internal validity) của nghiên cứu và do đó thường được kiểm soát bằng cách sử dụng thiết kế thí nghiệm mù đôi (double-blind experimental design).

Hiệu ứng tâm lý này có thể bao gồm các ảnh hưởng có ý thức hoặc vô thức lên hành vi của đối tượng bao gồm việc tạo ra các đặc điểm nhu cầu ảnh hưởng đến đối tượng và việc ghi lại các kết quả thí nghiệm đã thay đổi hoặc có chọn lọc.

Người thí nghiệm có thể đưa thiên kiến nhận thức vào nghiên cứu theo một số cách.

Trong hiệu ứng kỳ vọng của người quan sát, người thí nghiệm có thể thông báo một cách tinh tế những kỳ vọng của họ về kết quả nghiên cứu cho những người tham gia, khiến họ thay đổi hành vi của mình để phù hợp với những kỳ vọng đó.

Hiệu ứng Lady Macbeth (Lady Macbeth effect)

Hiệu ứng Lady Macbeth hay hiệu ứng Macbeth là một hiệu ứng mồi được cho là xảy ra khi phản hồi với gợi ý làm sạch tăng lên sau khi trải qua cảm giác xấu hổ, nhục nhã.

Hiệu ứng này được đặt theo tên của nhân vật Lady Macbeth trong vở kịch Macbeth của Shakespeare. Cô tưởng tượng ra những vết máu trên tay sau khi đã phạm tội giết người.

Trong một thử nghiệm, các nhóm người tham gia khác nhau được yêu cầu nhớ lại một hành động tốt hoặc xấu trong quá khứ, sau đó họ được yêu cầu điền vào các chữ cái của ba từ chưa hoàn chỉnh: “W_ _H”, “SH_ _ER” và “S_ _P”.

Những người được yêu cầu nhắc lại hành động xấu có khoảng 60% xu hướng trả lời bằng các từ liên quan đến tẩy rửa như “rửa” (wash), “tắm” (shower) và “xà phòng” (soap) thay vì các từ như “ước” (wish), “bình lắc” (shaker) hoặc “dừng lại” (stop).

Trong một thí nghiệm khác, những người thí nghiệm có thể giảm thiên kiến ủng hộ sự lựa chọn (choice-supportive bias) bằng cách để các đối tượng tham gia vào các hình thức tự làm sạch.

Hiệu ứng đã được thu hẹp phạm vi lại, đủ để thấy là những người được yêu cầu nói dối thì thích sản phẩm làm sạch răng miệng hơn, và những người được yêu cầu viết sai sự thật thì lại thích sản phẩm làm sạch tay hơn các loại chất tẩy rửa và các vật dụng khác.

Hiệu ứng Lọ Lem (Cinderella effect)

Trong tâm lý học tiến hóa, hiệu ứng Lọ Lem, hay còn gọi là hiệu ứng Cinderella là một hiện tượng cho thấy việc cha mẹ kế ngược đãi trẻ em có mức độ xảy ra cao hơn so với cha mẹ ruột.

Tên của hiện tượng này được đặt theo nhân vật cổ tích Cinderella (Lọ Lem) do bản thân câu chuyện về Lọ Lem đã thể hiện rất rõ hiệu ứng tâm lý này.

Năm 1994, Martin Daly và Margo Wilson thuộc Đại học McMaster ở Canada đã thực hiện một nghiên cứu phân tích dữ liệu về các vụ sát hại trẻ em tại Anh và kết luận rằng cha dượng có xu hướng đánh đập con của họ nhiều hơn 100 lần so với cha đẻ.

Theo lý giải của Daly và Wilson, sự chênh lệch đáng kể về tỉ lệ này xảy ra là bởi những người cha dượng không có liên quan đến di truyền với con cái của họ và do đó ít đầu tư vào chúng hơn so với những người cha ruột.

Kết quả là, những người cha dượng dễ bực bội và khó chịu với con cái của họ và do đó tấn công chúng thường xuyên hơn và bạo lực hơn.

Nếu bạn để ý, Việt Nam cũng có một câu ca dao tương tự về hiệu ứng Lọ Lem: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.

Hiệu ứng mặc định (Default effect)

Hiệu ứng mặc định là xu hướng mà khi đứng giữa các lựa chọn khác nhau, lựa chọn mặc định (tức là lựa chọn mà người chọn không cần phải làm gì hay chỉnh sửa gì thêm) sẽ có xu hướng được chọn nhiều hơn.

Một ví dụ điển hình của hiệu ứng mặc định là khi bản mua hay tải phần mềm từ trên mạng về cài vào máy.

Trong quá trình cài đặt sẽ có những tuỳ chọn mà nhà sản xuất phần mềm đã tích sẵn mặc định cho chúng ta, và chúng ta có xu hướng cứ để mặc định như vậy mà cài, không thay đổi gì thêm.

Việc ứng dụng hiệu ứng mặc định vào kinh doanh sẽ đẹp lại hiệu quả tương đối lớn cho các doanh nghiệp bởi khả năng định hướng được quá trình ra quyết định của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng vì cơ sở của hiệu ứng mặc định là dựa trên sự “không làm gì”, nên việc khách hàng có tiếp tục cam kết với lựa chọn đó trong một thời gian dài sau này không thì không thể đảm bảo được.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 1 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng Mandela (Mandela effect)

Hiệu ứng Mandela đề cập đến một tình huống trong đó một lượng lớn người tin rằng một sự kiện đã xảy ra trong khi nó không xảy ra.

Thuật ngữ hiệu ứng Mandela lần đầu tiên được đặt ra vào năm 2009 bởi Fiona Broome khi cô xuất bản một trang web trình bày chi tiết về việc quan sát hiện tượng này.

Broome đã có mặt tại một hội nghị nói chuyện với những người khác về việc cô nhớ lại thảm kịch về cái chết của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela trong một nhà tù ở Nam Phi vào những năm 1980.

Tuy nhiên, Nelson Mandela không chết vào những năm 1980 trong nhà tù – ông qua đời vào năm 2013. Khi Broome bắt đầu nói với những người khác về ký ức của mình, cô biết rằng mình không đơn độc. Những người khác nhớ đã xem tin tức về cái chết của ông cũng như bài phát biểu của người vợ góa.

Broome đã bị sốc khi một khối lượng lớn người có thể nhớ đến cùng một sự kiện giống hệt nhau một cách chi tiết như vậy khi nó chưa từng xảy ra. Được nhà xuất bản sách khuyến khích, cô bắt đầu lập một trang web để thảo luận về cái mà cô gọi là hiệu ứng Mandela và những sự cố tương tự như vậy.

Hiệu ứng Mandela
(Ảnh: Buzzfeed)

Bức ảnh Pikachu phía trên là một ví dụ của hiệu ứng Mandela khi mà rất nhiều người đinh ninh rằng Pikachu có phần cuối của đuôi màu đen, nhưng thực tế đuôi của nó không hề có dải màu đen đó.

Hiệu ứng Matthew (Matthew effect)

Hiệu ứng Matthew của lợi thế tích lũy, nguyên lý Matthew, hay gọi tắt là hiệu ứng Matthew ban đầu chủ yếu tập trung vào sự bất bình đẳng trong cách các nhà khoa học được công nhận trong công việc của họ.

Khái niệm này có thể áp dụng cho các vấn đề về danh tiếng hoặc địa vị, nhưng cũng có thể được áp dụng theo nghĩa đen cho lợi thế tích lũy của vốn kinh tế, và đôi khi được tóm tắt bằng câu ngạn ngữ “người giàu ngày càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo”. (Gladwell, 2008 & Shaywitz, 2008 & Rigney, 2010)

Thuật ngữ này được đặt ra bởi nhà xã hội học Robert K. Merton vào năm 1968 và tên của hiệu ứng được lấy ra từ câu chuyện ngụ ngôn về những người tài giỏi trong kinh thánh Phúc âm Matthew.

Trong xã hội học của kiến thức khoa học (sociology of scientific knowledge – SSK), hiệu ứng Matthew mô tả cách mà các nhà khoa học nổi tiếng thường nhận được nhiều sự tín nhiệm hơn những nhà nghiên cứu không tên tuổi, ngay cả khi công việc của họ tương tự nhau.

Nói cách khác, sự tín nhiệm thường sẽ được dành cho các nhà nghiên cứu đã nổi tiếng sẵn.

Ví dụ, một giải thưởng hầu như sẽ luôn được trao cho nhà nghiên cứu cấp cao nhất (hoặc có thâm niên cao nhất) trong một dự án, ngay cả khi tất cả công việc đã được thực hiện bởi một nghiên cứu sinh.

Trong giáo dục, thuật ngữ hiệu ứng Matthew đã được nhà tâm lý học Keith Stanovich sử dụng để mô tả một hiện tượng được quan sát thấy trong nghiên cứu về cách mọi người có được kỹ năng đọc.

Đó là những trẻ em sớm có được kỹ năng đọc tốt thường sẽ tiếp tục đọc tốt hơn trong quá trình lớn lên, còn nếu trước lớp 3 hay lớp 4 mà vẫn bị chậm đọc thì sẽ gặp các vấn đề trong quá trình học những kỹ năng mới sau này.

Hiệu ứng Matthew
(Ảnh: Pinterest)

Có điều này là do những đứa trẻ chậm đọc sẽ đọc ít hơn, làm tăng khoảng cách giữa chúng và các bạn. Sau đó, khi học sinh cần “đọc để học” (trong khi trước đó các em đã được học đọc), khó khăn trong việc đọc của các em sẽ gây khó khăn cho hầu hết các môn học khác.

Bằng cách này, các em sẽ ngày càng tụt hậu ở trường, dẫn đến việc bỏ học với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các bạn cùng lứa tuổi.

Hiệu ứng McGurk (McGurk effect)

Hiệu ứng McGurk là một hiện tượng tri giác thể hiện sự tương tác giữa thính giác và thị giác trong nhận thức lời nói. Ảo giác xảy ra khi thành phần thính giác của một âm thanh được ghép nối với thành phần thị giác của âm thanh khác, dẫn đến nhận thức về âm thanh thứ ba.

Thông tin hình ảnh mà một người nhận được khi nhìn thấy một người nói thay đổi cách họ nghe âm thanh. (Calvert et al., 2004 & Boersma, 2011)

Nếu một người nhận được thông tin thính giác kém chất lượng nhưng thông tin thị giác chất lượng tốt, họ có thể gặp phải hiệu ứng McGurk nhiều hơn.

Ví dụ ở video minh hoạ dưới đây, từ mà bạn nghe thấy sẽ thay đổi theo hình ảnh mà bạn nhìn thấy, lần lượt là “ba ba ba”, “da da da” và “va va va”.

Khả năng tích hợp thông tin âm thanh và hình ảnh cũng có thể ảnh hưởng đến việc một người có trải nghiệm hiệu ứng này hay không. Những người có khả năng tích hợp các giác quan tốt hơn đã được chứng minh là dễ bị ảnh hưởng hơn.

Nhiều người bị ảnh hưởng khác nhau bởi hiệu ứng McGurk dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm tổn thương não và các rối loạn khác.

Hiệu ứng tâm lý này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1976 trong một bài báo của McGurk và McDonald với tiêu đề “Nghe đôi môi và nhìn giọng nói” (Hearing Lips and Seeing Voices) trên tạp chí Nature.

Hiệu ứng mơ hồ (Ambiguity effect)

Hiệu ứng mơ hồ là một thiên kiến nhận thức mô tả cách chúng ta có xu hướng tránh các lựa chọn mà chúng ta cho là mơ hồ hoặc thiếu thông tin.

Chúng ta không thích sự không chắc chắn và do đó có xu hướng chọn một phương án mà xác suất đạt được một kết quả thuận lợi nhất định được biết trước.

Hiệu ứng tâm lý này ngụ ý rằng con người thường chọn những lựa chọn có khả năng tạo ra kết quả mà họ biết, hơn là những lựa chọn có khả năng tạo ra kết quả mà họ không biết.

Hiệu ứng mơ hồ

 

Ảnh: Blockdit

Hiệu ứng mơ hồ có thể ngăn chúng ta đưa ra 2 lựa chọn khả thi để cân nhắc như nhau. Kết quả là việc ra quyết định của chúng ta bị ảnh hưởng.

Chúng ta có thể tự động quyết định chống lại điều gì đó chỉ dựa trên thực tế là chúng ta cảm thấy rằng việc đặt niềm tin vào điều chưa biết là quá rủi ro. Thiên kiến nhận thức này hạn chế chúng ta, vì nó ngăn cản chúng ta gặt hái những lợi ích lâu dài từ những quyết định rủi ro hơn.

Hiệu ứng này được miêu tả lần đầu tiên bởi Daniel Ellsberg năm 1961, phổ biến hơn với tên gọi nghịch lý Ellsberg (The Ellsberg Paradox).

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Thiên nga đen – Nassim Nicholas Taleb

Hiệu ứng mỏ neo / Hiệu ứng tập trung (Anchoring / Focusing effect)

Hiệu ứng mỏ neo (hay hiệu ứng tập trung) là một thiên kiến nhận thức trong đó một cá nhân phụ thuộc quá nhiều vào một phần thông tin ban đầu được cung cấp (được coi là “mỏ neo”) để đưa ra các phán đoán tiếp theo trong quá trình ra quyết định.

Hiệu ứng mỏ neo/Hiệu ứng tập trung
(Ảnh: The Decision Lab)

Khi giá trị của neo này được đặt, tất cả các cuộc đàm phán, lập luận, ước tính,… trong tương lai sẽ được thảo luận liên quan đến neo. Thông tin phù hợp với mỏ neo có xu hướng được đồng hóa với nó, trong khi thông tin bất hòa hơn hoặc ít liên quan hơn có xu hướng bị thay thế.

Hiệu ứng mỏ neo thường được thấy với các ví dụ về định giá trước đây / bây giờ. Giá cao hơn có thể ngăn cản khách hàng mua hàng. Tuy nhiên, khi thương hiệu hoặc nhà bán lẻ đưa ra giá bán thấp hơn, giá cao hơn ban đầu đóng vai trò là điểm neo, khiến giá bán mới có vẻ như có giá trị tốt hơn.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Phi lý trí – Dan Ariely

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 1 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng nảy sinh ý tưởng (Generation effect)

Hiệu ứng nảy sinh ý tưởng là một hiện tượng mà thông tin được ghi nhớ tốt hơn nếu nó được tạo ra từ tâm trí của chính mình thay vì chỉ đọc nó từ đâu đó.

Hiệu ứng nảy sinh ý tưởng được nhắc tới lần đầu trong một bài báo nghiên cứu được xuất bản vào năm 1978 trên Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về cách thức hoạt động thực sự của hiệu ứng tâm lý này được tạo ra như thế nào và tại sao.

Một số người cho rằng việc tạo ra nội dung cho riêng bạn dựa trên những gì bạn muốn học có thể kích hoạt trí nhớ ngữ nghĩa của bạn, đó là kiến thức về thế giới chung mà chúng ta đã tích lũy trong suốt cuộc đời mình, chẳng hạn như sự kiện, ý tưởng và khái niệm.

Những người khác nghĩ rằng quá trình tạo nội dung có thể bắt đầu một số quá trình mã hóa cụ thể mà sẽ không xảy ra khi chúng ta đọc.

Hiệu ứng nảy sinh ý tưởng
(Ảnh: Nesslabs)

Một lý thuyết khác là việc tích cực vận dụng thông tin mới có thể tạo ra mối quan hệ giữa mỗi mục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất thông tin khi cần.

Cho dù nguyên nhân và cách thức hoạt động của hiệu ứng nảy sinh ý tưởng là gì, nó đã được chứng minh là giúp ích rất nhiều cho việc học và ghi nhớ thông tin.

Hiệu ứng ngủ quên (Sleeper effect)

Hiệu ứng ngủ quên mô tả hiện tượng tâm lý liên quan đến khả năng thuyết phục, theo đó tác động của một thông điệp thuyết phục tăng lên theo thời gian.

Khi mọi người tiếp xúc một cách bình thường với một thông điệp thuyết phục (chẳng hạn như một đoạn quảng cáo hấp dẫn hoặc đầy tính thuyết phục trên TV), thái độ của họ đối với sự ủng hộ thông điệp này sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, theo thời gian, thái độ mới hình thành của họ dường như quay trở lại với quan điểm vốn có trước khi nhận được thông điệp, như kiểu họ chưa bao giờ tiếp xúc với thông điệp này.

Mô hình suy giảm bình thường về thái độ này đã được ghi nhận là mô hình nghiên cứu về sự thuyết phục thường xuyên được quan sát thấy nhất.

Ngược lại, một số thông điệp thường đi kèm với một gợi ý coi nhẹ (discounting cue) (ví dụ: tuyên bố từ chối trách nhiệm, một nguồn có độ tin cậy thấp) sẽ khơi dậy sự nghi ngờ của người nhận về tính hợp lệ của tin nhắn và ngăn chặn mọi thay đổi thái độ có thể xảy ra khi tiếp xúc với tin nhắn một mình.

Hơn nữa, khi mọi người tiếp xúc với một thông điệp thuyết phục kèm theo một gợi ý coi nhẹ, mọi người có xu hướng bị thuyết phục nhiều hơn theo thời gian. Đây được gọi là hiệu ứng ngủ quên. (Hovland et al., 1951 và Cook et al., 1978)

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng nổi bật (Prominence effect)

Hiệu ứng nổi bật là một lý thuyết về sự lựa chọn cho biết mọi người thường mặc định chọn phương án tốt hơn, có thuộc tính nổi bật nhất hoặc có thể bảo vệ được.

Bản chất của hiệu ứng này là mặc dù chúng ta có thể có ý thức định tính về tầm quan trọng của các thuộc tính có giá trị, chúng ta có thể không có ý thức về sự đánh đổi định lượng thích hợp khi các thuộc tính này cạnh tranh với nhau.

Ví dụ khi mua một chiếc xe hơi, người ta có thể bỏ qua việc phân tích những sự đánh đổi khó khăn và chỉ cần chọn chiếc xe tốt nhất về độ an toàn. Các nhà tâm lý học đã quan sát thấy hiệu ứng nổi bật trong nhiều loại quyết định.

Hiệu ứng nổi bật cũng khiến chúng ta đưa ra quyết định dựa trên những nhu cầu có vẻ quan trọng hơn trong thời điểm hiện tại hơn là giá trị nội tại của chúng ta.

Ví dụ: một người tin rằng bảo vệ môi trường là quan trọng và việc đốt nhiên liệu hóa thạch có hại cho môi trường có thể chọn bay xuyên quốc gia để tham dự một cuộc họp trực tiếp thay vì tham dự trực tuyến qua mạng.

Hiệu ứng nổi trội (Salience Effect)

Hiệu ứng nổi trội hay thiên kiến nổi trội (salience bias) là xu hướng tập trung vào những thứ hoặc thông tin đáng chú ý hơn trong khi bỏ qua những thứ không thu hút sự chú ý của chúng ta.

Con người đưa ra hàng nghìn quyết định mỗi ngày và các yếu tố thu hút sự chú ý như ngoại hình, hương vị, âm thanh và thậm chí mức độ liên quan của cuộc trò chuyện cản trở khả năng của trí óc để thực hiện các suy tính một cách hợp lý.

Nhận thức được thiên kiến của chúng ta đối với các khía cạnh nổi bật của cuộc sống có thể bảo vệ chúng ta khỏi những lý luận kém cỏi và những sai lầm đắt giá trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mỗi người.

Như các nghiên cứu đã chỉ ra, nhận thức được điều này là chìa khóa để vượt qua hiệu ứng nổi trội.

Thật vậy, cho dù chúng ta đang cố gắng duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh hay đang cố gắng quản lý tài chính cá nhân của mình, thì việc nhận thức một cách nghiêm túc về cách hiệu ứng nổi trội biểu hiện ra có thể giúp chúng ta kiểm soát việc ra quyết định và cải thiện đáng kể cuộc sống của chính mình.

* Lưu ý: sự khác biệt giữa Prominence và Salience

  • Prominence: the state of being prominent, widely known or eminent (trạng thái nổi tiếng, nổi bật kiểu dễ được nhìn thấy, dễ để ý).
  • Salience: the condition of being salient (trạng thái nổi trội lên vì rất quan trọng).

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng Peltzman (Peltzman effect)

Hiệu ứng Peltzman là quan điểm cho rằng phản ứng của mọi người với sự an toàn tăng lên bằng cách thêm các rủi ro mới.

Năm 1975, nhà kinh tế học Sam Peltzman lập luận rằng khi các quy tắc an toàn về xe hơi được đưa ra, ít nhất một số lợi ích của các quy tắc an toàn mới đã bị đối trọng bởi những thay đổi trong hành vi của người lái xe.

Peltzman cho rằng việc thắt dây an toàn bắt buộc đối với ô tô giúp giảm số người ngồi trong xe tử vong, nhưng tăng thương vong cho người đi bộ và thiệt hại tài sản liên quan đến va chạm.

Peltzman đã đưa ra một trường hợp rằng mặc dù thắt dây an toàn làm giảm nguy cơ bị thương nặng trong một vụ tai nạn, nhưng bù lại, các tài xế lại lái xe quá khích và bất cẩn hơn – chẳng hạn như lái xe đến gần chiếc xe phía trước của họ – để tiết kiệm thời gian hoặc duy trì mức độ hồi hộp, thậm chí có nguy cơ gây ra thiệt hại khác ngoài bản thân và xe của họ.

Hiệu ứng Peltzman
(Ảnh: Quora)

Điều này cũng có thể áp dụng ngược lại, tức là tạo ra các viễn cảnh về tình huống nguy hiểm để mọi người lái xe cẩn thận hơn.

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hiệu ứng phản tác dụng (Backfire Effect)

Hiệu ứng phản tác dụng là một thiên kiến nhận thức khiến những người gặp phải bằng chứng thách thức niềm tin của họ không những không thay đổi niềm tin mà còn bác bỏ bằng chứng đó và củng cố sự ủng hộ của họ đối với lập trường ban đầu của bản thân.

Hiệu ứng phản tác dụng

 

(Ảnh: Buster’s Rickshaw)

Về cơ bản, hiệu ứng phản tác dụng có nghĩa là việc cho mọi người xem bằng chứng chứng minh rằng họ sai thường không hiệu quả và thực sự có thể gây phản tác dụng, bằng cách khiến họ ủng hộ lập trường ban đầu của họ mạnh mẽ hơn so với trước đây.

Hiệu ứng phản tác dụng là một kiểu phụ (subtype) của thiên kiến xác nhận, đó là thiên kiến nhận thức có thể khiến mọi người từ chối thông tin mâu thuẫn với niềm tin của họ hoặc giải thích thông tin theo cách xác nhận những niềm tin đó.

Hiệu ứng phương thức (Modality effect)

Hiệu ứng phương thức đề cập đến bất kỳ sự khác biệt nào về hiệu suất của bộ nhớ có liên quan đến sự khác biệt về phương thức kích thích.

Trong hiệu ứng phương thức cổ điển, việc nhớ lại ngay lập tức một vài mục cuối cùng từ một trình tự bằng lời nói bị ảnh hưởng bởi phương thức trình bày: khả năng nhớ lại cao hơn nếu trình tự được nói to hơn là đọc thầm.

Đọc thêm:  Review sách Sói Đội Lốt Cừu (In Sheep’s Clothing)

Các âm thanh tồn tại trong trí nhớ và người ta có thể khôi phục chúng để có được ý nghĩa ngay cả khi người ta không chú ý vào thời điểm chính xác khi câu hỏi được đặt ra.

Lời giải thích ban đầu về hiệu ứng phương thức là mô hình Precategorical Acoustic Storage (PAS) được Robert G. Crowder và John Morton mô tả vào năm 1969.

Hiệu ứng quá tự tin (Overconfidence effect)

Hiệu ứng quá tự tin được quan sát khi sự tự tin chủ quan của mọi người vào khả năng của chính họ lớn hơn so với hiệu suất khách quan (thực tế) của họ.

Nó thường được đo bằng cách cho những người tham gia thí nghiệm trả lời các câu hỏi kiểm tra kiến thức chung. Sau đó, họ được yêu cầu đánh giá mức độ tự tin của họ đối với câu trả lời của mình trên thang điểm.

Sự tự tin quá mức được đo lường bằng cách tính điểm cho xếp hạng độ tin cậy trung bình của một người so với tỷ lệ câu hỏi được trả lời đúng thực tế.

Trong các tài liệu nghiên cứu, quá tự tin đã được định nghĩa theo 3 cách riêng biệt: đánh giá quá cao thành tích thực tế của một người, đánh giá quá cao thành tích cá nhân so với người khác, và sự chắc chắn quá mức về độ chính xác của niềm tin cá nhân. (Moore et al., 2008 & 2017)

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Hiệu ứng Rashomon (Rashomon effect)

Hiệu ứng Rashomon hay còn được biết đến với tên gọi hiệu ứng Kurosawa là một thuật ngữ liên quan đến sự không đáng tin cậy của các nhân chứng. Nó mô tả một tình huống trong đó một sự kiện được các cá nhân liên quan đưa ra những cách giải thích hoặc mô tả trái ngược nhau.

Hiệu ứng Rashomon
(Ảnh: Research Gate)

Hiệu ứng tâm lý này được đặt tên theo bộ phim Rashomon năm 1950 của Akira Kurosawa, trong đó một vụ giết người được bốn nhân chứng mô tả theo bốn cách trái ngược nhau.

Thuật ngữ này đề cập đến động cơ, cơ chế và sự xuất hiện của báo cáo về tình huống và giải thích tranh cãi về các sự kiện, sự tồn tại của những bất đồng liên quan đến bằng chứng của các sự kiện và tính chủ quan so với khách quan trong nhận thức, trí nhớ và báo cáo của con người.

Hiệu ứng Rashomon đã được định nghĩa trong bối cảnh học thuật hiện đại là “việc đặt tên cho một khuôn khổ nhận thức luận – hoặc các cách suy nghĩ, biết và ghi nhớ – cần thiết để hiểu các tình huống phức tạp và mơ hồ”.

Người Việt Nam cũng có một câu thành ngữ và câu chuyện ngụ ngôn đi kèm để nói về hiệu ứng Rashomon“Thầy bói xem voi”.

Hiệu ứng Ringelmann (Ringelmann effect)

Hiệu ứng Ringelmann hay còn gọi là đặc tính lười biếng xã hội (social loafing) là xu hướng các thành viên trong nhóm ngày càng trở nên kém năng suất hơn khi quy mô nhóm của họ tăng lên.

Hiệu ứng Ringelmann
(Ảnh: Van Schneider)

Hiệu ứng tâm lý này được phát hiện bởi kỹ sư nông nghiệp người Pháp Maximilien Ringelmann, minh họa mối quan hệ nghịch đảo tồn tại giữa quy mô của một nhóm và mức độ đóng góp của từng thành viên trong nhóm vào việc hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Ringelmann, các nhóm không phát huy được hết tiềm năng của mình bởi vì các quá trình tương tác đa dạng giữa các cá nhân với nhau làm giảm mức độ thành thạo chung của nhóm.

Hai quá trình khác biệt đã được xác định là những nguyên nhân tiềm ẩn làm giảm năng suất của nhóm: mất động lực và các vấn đề về sự phối hợp.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng sai lầm (Pratfall effect)

Trong tâm lý học xã hội, hiệu ứng sai lầm (hiệu ứng Pratfall) là xu hướng sự hấp dẫn giữa các cá nhân tăng hoặc giảm sau khi một cá nhân mắc lỗi, tùy thuộc vào năng lực nhận thức của người mắc lỗi.

Một cá nhân được nhận thấy là có năng lực cao sẽ được coi là dễ mến hơn sau khi mắc lỗi, trong khi một cá nhân được nhận thấy là có năng lực trung bình sẽ được coi là ít đáng yêu hơn.

Hiểu theo một cách ngắn gọn hơn: người giỏi mà mắc lỗi thì đáng yêu, người dốt mà mắc lỗi thì đáng ghét.

Hiệu ứng sai lầm được mô tả lần đầu vào năm 1966 bởi Elliot Aronson, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để cô lập tác động của giới tính, lòng tự trọng và mức độ nghiêm trọng của sai lầm đối với sự thay đổi trong sự hấp dẫn hoặc khả năng được yêu thích.

Hiệu ứng này đôi khi được gọi là hiệu ứng làm mờ (blemishing effect) khi được sử dụng như một hình thức tiếp thị, những khái quát về hiệu ứng sai lầm thường được sử dụng để mô tả những lợi ích trực quan rút ra từ việc phạm sai lầm.

Có nhiều cách giải thích cho hiện tượng này, nhưng cách giải thích đơn giản nhất đó là: sai lầm khiến người giỏi trở nên “người” hơn, gần gũi hơn trong mắt người xung quanh. Mọi người yêu mến những người như vậy hơn những người hoàn hảo và xa lạ.

Ngược lại, nếu một người đã kém cỏi rồi, thì việc mắc sai lầm chỉ củng cố ý tưởng người đó thật kém cỏi mà thôi.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 1 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng sai lệch thông tin (Misinformation effect)

Hiệu ứng sai lệch thông tin đề cập đến xu hướng thông tin sau sự kiện can thiệp vào kí ức của sự kiện ban đầu.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giới thiệu một thông tin cho dù rất tế nhị sau một sự kiện có thể có tác động đáng kể đến cách mọi người ghi nhớ.

Hiệu ứng sai lệch thông tin có thể dẫn đến ký ức không chính xác và trong một số trường hợp, dẫn đến hình thành ký ức sai lệch (false memories).

Công trình của nhà tâm lý học Elizabeth Loftus và các đồng nghiệp của bà đã chứng minh rằng những câu hỏi được đặt ra sau khi một người chứng kiến một sự kiện thực sự có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của người đó về sự kiện đó.

Hiệu ứng sai lệch thông tin
(Ảnh: Macmillanhighered)

Nếu một câu hỏi chứa thông tin sai lệch, nó có thể làm sai lệch ký ức về sự kiện, một hiện tượng mà các nhà tâm lý học đã gọi là hiệu ứng sai lệch thông tin.

Loftus giải thích: “Hiệu ứng sai lệch thông tin đề cập đến sự suy giảm trí nhớ trong quá khứ phát sinh sau khi tiếp xúc với thông tin sai lệch.”

Hiệu ứng Simon (Simon effect)

Hiệu ứng Simon cho thấy mọi người phản ứng nhanh hơn và chính xác hơn nếu có sự tương ứng giữa các tác nhân kích thích và phản ứng.

Hiệu ứng này được đặt theo tên của J. R. Simon, người đầu tiên công bố hiệu ứng này vào cuối những năm 1960. Tuy nhiên, thí nghiệm thường được coi là minh chứng xác thực đầu tiên về hiệu ứng Simon là của Simon và Rudell (1967).

Tại đây, họ cho những người tham gia phản ứng lại với các từ “trái” và “phải” được phát ra ngẫu nhiên phía bên tai trái hoặc tai phải. Khi nghe thấy âm thanh phát ra ở phía tai nào thì họ cần bấm nút tương ứng ở phía tay đó, cho dù âm thanh phát ra là “trái” hay “phải”.

Kết quả là những người tham gia cho thấy phản ứng của họ chậm hơn rõ rệt nếu vị trí của âm thanh không tương ứng với từ được đọc lên. Ví dụ: từ “trái” được phát ra ở tai phải thì họ sẽ phải mất một lúc mới ấn nút bên phải thay vì ấn nút bên trái theo phản xạ.

Hình ảnh dưới đây minh hoạ cho thí nghiệm dưới dạng hình ảnh hiển thị thay cho việc nghe âm thanh.

Hiệu ứng Simon
(Ảnh: PsyToolkit)

Hiệu ứng Simon tương tự nhưng không giống hoàn toàn với hiệu ứng Stroop dưới đây.

Hiệu ứng Stroop (Stroop effect)

Trong tâm lý học, hiệu ứng Stroop là sự chậm trễ trong thời gian phản ứng giữa các nhân tố không ăn khớp với nhau.

Cụ thể hơn, John Ridley Stroop – người đầu tiên công bố hiệu ứng này bằng tiếng Anh vào năm 1935, đã miêu tả hiệu ứng Stroop là sự khó khăn mà chúng ta gặp phải khi cố gắng gọi tên một màu bằng tên của một màu khác.

Trong nghiên cứu ban đầu của Stroop, có 3 thí nghiệm khác nhau và chúng hơi khác so với minh họa bên dưới. Điều này chủ yếu là vì những lý do thực tế. Nghĩa là, việc đo thời gian chính xác của một lần nhấn nút sẽ dễ dàng hơn là đo thời điểm mọi người bắt đầu nói một từ bằng công nghệ phím thoại.

Hiệu ứng Stroop
(Ảnh: Psytoolkit)

Tạm minh hoạ nghiên cứu của Stroop bằng ảnh phía trên, mọi người được xem một danh sách các từ được in bằng các màu khác nhau. Họ được yêu cầu gọi tên màu mực và bỏ qua nghĩa của từ đó.

Kết quả là mọi người chậm hơn và mắc nhiều lỗi hơn khi có xung đột giữa nghĩa của từ và màu mực (ví dụ: từ “xanh lá cây” trong màu mực đỏ).

Hiệu ứng sở hữu (Endowment effect)

Trong tâm lý học và kinh tế học hành vi, hiệu ứng sở hữu nói rằng con người có xu hướng giữ lại thứ mà họ đang sở hữu hơn là nhận được thứ y hệt nhưng không phải của họ.

Một cách giải thích khác theo Kahneman năm 1990 cho rằng chúng ta thường định giá những thứ mà chúng ta đang sở hữu cao hơn so với giá thị trường của chúng.

Hiệu ứng sở hữu
(Ảnh: Kent Hendricks)

Vì lý do đó, khi chúng ta bán đi một thứ gì mà mình đã từng sở hữu, chúng ta có xu hướng bán nó với mức giá cao hơn mức giá mà chúng ta sẵn sàng chi trả cho một thứ tương tự.

Có 2 lý do tâm lý khiến chúng ta sẵn sàng bán thứ gì đó với giá cao hơn mức chúng ta sẵn sàng trả cho nó: ác cảm mất mát (loss aversion) và quyền sở hữu (ownership).

  • Thứ nhất, mọi người vốn không thích sự mất mát: chúng ta có thể biện minh cho việc “đánh mất” thứ mà chúng ta đang sở hữu (thông qua việc bán nó) nếu ai đó sẵn sàng trả giá cao cho nó.
  • Thứ hai, chúng ta cũng có xu hướng kích hoạt hiệu ứng sở hữu khi chúng ta cảm thấy có quyền sở hữu (ownership) hoặc sự sở hữu (possession) đối với những thứ đó.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Phi lý trí – Dan Ariely

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 1 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng số sinh nhật (Birthday-number effect) và hiệu ứng chữ trong tên (Name-letter effect)

Hiệu ứng số sinh nhật ám chỉ con người thường thích những con số trong ngày sinh của họ hơn là những số khác, chủ yếu là những số lớn hơn 12.

Tương tự, hiệu ứng chữ trong tên ngụ ý con người thường thích những chữ cái có trong tên của họ.

Hai hiệu ứng tâm lý này gắn liền với lòng tự tôn của con người. Nếu bạn để ý sẽ thấy rất nhiều người dùng những con số trong ngày tháng năm sinh hoặc những chữ cái viết tắt tên của họ để đặt mật khẩu cho các tài khoản mà họ dùng 😉

Hiệu ứng Tamagotchi (Tamagotchi effect)

Hiệu ứng Tamagotchi là sự phát triển tình cảm gắn bó với máy móc, robot hoặc tác tử phần mềm (software agents).

Người ta nhận thấy rằng con người có xu hướng gắn bó tình cảm với những thứ vô tri. Ví dụ: chiếc xe đã gắn bó với bạn suốt bao năm, những món đồ chơi ưa thích hồi còn nhỏ, hay những “thú cưng ảo”,…

Hiệu ứng Tamagotchi khá nổi bật trong các ứng dụng mà thể hiện được một số khía cạnh về hành vi hay đặc điểm của con người, đặc biệt là các dạng trí tuệ nhân tạo.

Hiệu ứng tâm lý này bắt nguồn từ một món đồ chơi Nhật Bản tên là Tamagotchi, được phát hành vào năm 1996. Đồ chơi này là một con thú cưng ảo hình quả trứng và được sử dụng bởi mọi lứa tuổi. Người dùng chọn một đồ vật, vật nuôi hoặc người để nuôi trứng và nở ra một sinh vật.

Hiệu ứng tần suất từ (Word frequency effect)

Hiệu ứng tần suất từ là một hiện tượng tâm lý trong đó các từ được nhìn thấy thường xuyên hơn sẽ có thời gian nhận dạng nhanh hơn so với các từ được nhìn thấy ít thường xuyên hơn.

Tần suất từ phụ thuộc vào nhận thức của cá nhân về ngôn ngữ được kiểm tra.

Hiện tượng này có thể được mở rộng sang các ký tự khác nhau của từ trong các ngôn ngữ không phải chữ cái như tiếng Trung Quốc.

Một từ được coi là có tần suất cao nếu từ đó thường được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, chẳng hạn như từ “như, là, mà, được,…”. Một từ được coi là có tần suất thấp nếu từ đó không được sử dụng phổ biến, chẳng hạn như từ “đồng đẳng, dị bội,…”.

Hiệu ứng Tetris / hội chứng Tetris (Tetris effect / syndrome)

Hiệu ứng Tetris (còn được gọi là hội chứng Tetris) xảy ra khi mọi người dành quá nhiều thời gian và sự chú ý cho một hoạt động khiến nó bắt đầu hình thành suy nghĩ, hình ảnh tâm trí và cả giấc mơ của họ. Hiệu ứng này lấy tên từ trò chơi điện tử Tetris.

Những người đã chơi Tetris trong một khoảng thời gian dài có thể thấy mình đang suy nghĩ về cách các hình dạng khác nhau trong thế giới thực có thể khớp với nhau, chẳng hạn như các hộp trên kệ siêu thị hoặc các tòa nhà trên đường phố.

Họ có thể nhìn thấy hình ảnh màu của các mảnh rơi vào vị trí trên một bố cục vô hình ở phần rìa trong tầm nhìn của họ hoặc khi họ nhắm mắt.

Họ có thể nhìn thấy những hình ảnh chuyển động, có màu sắc như vậy khi họ đang dần chìm vào giấc ngủ ở giai đoạn Hypnagogia (hay ảo giác Hypnagogic).

Những người trải qua hiệu ứng này có thể cảm thấy họ không thể ngăn được những suy nghĩ, hình ảnh hay giấc mơ xảy ra.

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hiệu ứng Thatcher (Thatcher effect)

Hiệu ứng Thatcher, hay ảo ảnh Thatcher hoặc mắt-miệng-nhầm-hướng (Eyesmouth-Wrongway) là một hiện tượng mà việc phát hiện các thay đổi cục bộ của khuôn mặt lộn ngược trở nên khó khăn hơn, mặc dù những thay đổi này có thể thấy rất rõ ở một khuôn mặt xuôi theo đúng chiều bình thường.

Hiệu ứng được đặt theo tên của cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người mà bức ảnh của bà đã được chứng minh hiệu ứng lần đầu tiên. Hiệu ứng ban đầu được tạo ra vào năm 1980 bởi Peter Thompson, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học York.

Hiệu ứng tâm lý này được minh họa bằng 2 bức ảnh, trong đó 1 bức ảnh xuôi theo chiều bình thường của gương mặt, 1 bức thì lật ngược lại theo chiều dọc nhưng giữ nguyên mắt và miệng theo đúng chiều ban đầu.

Hình ảnh minh hoạ dưới đây là của nghệ sĩ Adele vì biểu hiện của hiệu ứng Thatcher trong bức ảnh này dễ thấy hơn ảnh gốc (nét hơn và ghép mượt hơn – ý kiến cá nhân).

Hiệu ứng Thatcher
(Ảnh: Psychology in Action)

Mặc dù những thay đổi của bức thứ 2 không rõ ràng ngay lập tức vì trông có vẻ rất bình thường, nhưng khi lật ngược hình 2 lại để xem theo hướng bình thường thì sẽ thấy rõ sự thay đổi, thậm chí hơi đáng sợ 🙂

Bộ não của chúng ta được lập trình để nhận dạng khuôn mặt theo đúng chiều bình thường. Chúng ta tạo ra một bản đồ trong tâm trí bằng cách nhận dạng khuôn mặt theo từng phần mắt, miệng và mũi.

Vì vậy, khi chúng ta được xem một hình ảnh lộn ngược, bộ não không xử lý thông tin đúng cách. Chúng ta biết nó bị lộn ngược, nhưng vì chúng ta hiếm khi gặp phải những khuôn mặt lộn ngược nên chúng ta đã không tiến hóa để nhận diện những biểu hiện đó trên khuôn mặt.

Các đặc điểm trên khuôn mặt trông khá ổn, vì vậy não của chúng ta giả định phần còn lại của khuôn mặt cũng thế. Đó là lý do tại sao chúng ta không nhìn thấy bất cứ điều gì khác thường cho đến khi chúng ta xoay lại khuôn mặt theo đúng chiều.

Hiệu ứng thưởng dư thừa (Overjustification effect)

Hiệu ứng thưởng dư thừa xảy ra khi một phần thưởng khích lệ từ bên ngoài được trông đợi sẽ nhận được như tiền bạc hoặc giải thưởng làm giảm động lực nội tại của một người để thực hiện nhiệm vụ.

Việc đưa ra phần thưởng cho một hoạt động mà trước đó vốn không được thưởng tạo ra sự chuyển dịch từ động lực nội tại sang động lực ngoại sinh, và làm suy yếu động lực nội tại đã có từ trước.

Vì thế, sau khi không còn được nhận thưởng, sự hứng thú với hoạt động đó sẽ bị mất. Động lực nội tại trước đó không trở lại nữa, và phần thưởng từ bên ngoài phải liên tục được đưa ra làm động lực ngoại sinh để duy trì hoạt động.

Hiệu ứng tiệc Cocktail (Cocktail party effect)

Hiệu ứng tiệc Cocktail là hiện tượng não có khả năng tập trung sự chú ý thính giác của một người (hiệu ứng của sự chú ý có chọn lọc trong não) vào một kích thích cụ thể trong khi lọc ra một loạt các kích thích khác, như khi một người dự tiệc có thể tập trung vào một cuộc trò chuyện trong một căn phòng ồn ào.

Hiểu đơn giản là khả năng tập trung của chúng ta vào một người hay một cuộc nói chuyện nhất định trong một không gian đầy tiếng ồn.

Hiệu ứng tiệc Cocktail
(Ảnh: The Momentum)

Hiệu ứng Tiệc Cocktail được phát hiện vào năm 1953 bởi một nhà khoa học nhận thức người Anh tên là Colin Cherry.

Ông đã thực hiện một số thí nghiệm và phát hiện ra rằng khi chúng ta nghe được nhiều âm thanh chồng chéo nhau, não bộ của chúng ta sẽ tách các âm thanh đó thành các luồng thông tin và chỉ tập trung vào thông tin mà chúng ta chú ý, các thông tin còn lại sẽ bị lọc ra.

Hiệu ứng tâm lý này được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực marketing, bán hàng, thiết kế,…

Hiệu ứng tiền chùa / hiệu ứng tiền nhà cái (House-Money Effect)

Hiệu ứng tiền chùa (hay hiệu ứng tiền nhà cái) là một lý thuyết được sử dụng để giải thích xu hướng các nhà đầu tư thường chấp nhận rủi ro lớn hơn khi tái đầu tư lợi nhuận kiếm được thông qua đầu tư so với khi đầu tư tiền tiết kiệm hoặc tiền lương của chính họ.

Nói một cách đơn giản, đây là nhận định rằng chúng ta sẵn sàng chi tiêu và chấp nhận rủi ro hơn với số tiền mà chúng ta kiếm được một cách dễ dàng hay bất ngờ.

Mọi người thường sẽ nghĩ rằng thu nhập từ đầu tư tách biệt với tiền họ kiếm được theo những cách khác, điều này làm sai lệch kế toán tinh thần (mental accounting) của họ.

Hiệu ứng tiền chùa/hiệu ứng tiền nhà cái
(Ảnh: Money Health Solutions)

Thaler và Johnson của Đại học Cornell lần đầu tiên định nghĩa hiệu ứng tiền chùa vào năm 1990, mượn thuật ngữ từ các sòng bạc. Thuật ngữ này đề cập đến hiện tượng một người đánh bạc nhận được tiền thắng cược từ các lần đặt cược trước sẽ sử dụng một số hoặc tất cả chúng trong các lần đặt cược tiếp theo.

Hiệu ứng tiền chùa gợi ý rằng các cá nhân có xu hướng mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc các loại tài sản khác có rủi ro cao hơn sau khi giao dịch có lãi.

Chẳng hạn như sau khi kiếm được lợi nhuận ngắn hạn từ cổ phiếu có hệ số beta là 1,5, không có gì lạ nếu nhà đầu tư tiếp theo giao dịch cổ phiếu có hệ số beta từ 2 trở lên.

Điều này là do kết quả thành công gần đây trong việc giao dịch cổ phiếu đầu tiên có rủi ro trên mức trung bình tạm thời làm giảm khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư này tiếp theo sẽ tìm kiếm rủi ro nhiều hơn.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman (tìm hiểu thêm về kế toán tinh thần)

Hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần (Mere-exposure effect)

Hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần (một số nơi dịch là hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên) là một hiện tượng tâm lý trong đó mọi người có xu hướng phát triển cảm giác ưa thích đối với các thứ chỉ vì chúng quen thuộc với họ.

Trong tâm lý học xã hội, hiệu ứng này đôi khi được gọi là nguyên tắc quen thuộc (familiarity principle).

Hiệu ứng tâm lý này đã được chứng minh với nhiều loại, bao gồm từ ngữ, tranh vẽ, hình ảnh khuôn mặt, hình học và âm thanh,… Trong các nghiên cứu về sự hấp dẫn giữa các cá nhân, ai đó càng nhìn thấy một người thường xuyên thì họ càng thấy người đó dễ chịu và dễ mến.

Gustav Fechner đã tiến hành nghiên cứu sớm nhất được biết đến về hiệu ứng này vào năm 1876.

Hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần
(Ảnh: Productive Club)

Hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần cho thấy việc tiếp xúc lặp đi lặp lại với một tác nhân kích thích làm tăng sự trôi chảy tri giác (perceptual fluency), tức là mức độ dễ dàng của tâm trí trong việc nhận thức và xử lý các kích thích từ bên ngoài. (Seamon et al., 1983 & Bornstein et al., 1994)

Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc lặp đi lặp lại làm tăng sự trôi chảy tri giác, xác nhận ảnh hưởng tích cực đến ký ức tự truyện (autobiographical memory) và học tập qua tri giác (perceptual learning).

Hiệu ứng truyền thông thù địch (Hostile media effect)

Hiệu ứng truyền thông thù địch (hay hiện tượng truyền thông thù địch / nhận thức truyền thông thù địch) là một lý thuyết nhận thức về truyền thông đại chúng đề cập đến xu hướng các cá nhân vốn có thái độ mạnh mẽ về một vấn nào đó nhận thấy việc phủ sóng truyền thông là thiên vị chống lại phe của họ và ủng hộ quan điểm của những kẻ chống đối họ.

Những người ở phe đối lập cũng nhận thấy truyền thông đang thiên vị về phe kia và chống lại họ. Nói tóm lại, dù ở phe nào cũng sẽ cảm thấy truyền thông đang thiên vị phe đối lập với mình.

Hiện tượng này lần đầu tiên được đề xuất và nghiên cứu bằng thực nghiệm bởi Robert Vallone, Lee Ross và Mark Lepper.

Hiệu ứng truyền thông thù địch có liên quan đến thiên kiến phản đối (disconfirmation bias), hoặc thiên kiến tương phản (contrast bias) – một sự sai lệch trong đánh giá trong đó các cá nhân ở một phe nhận thức hoặc đánh giá nội dung truyền thông khác với thực tế, theo quan điểm của riêng họ.

Những đặc trưng của nguồn thông tin cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu ứng truyền thông thù địch.

Một nguồn được coi là thân thiện với phe mình (thường là do cùng hệ tư tưởng hoặc vị trí địa lý gần gũi với nhóm) ít có khả năng gây ra hiệu ứng truyền thông thù địch hơn một nguồn khác hệ tư tưởng hoặc tách biệt về địa lý. (Arpan et al., 2003 & Reid, 2012)

Trong nhiều nghiên cứu, Albert C. Gunther và các cộng sự của ông đã gợi ý rằng việc các phương tiện truyền thông đại chúng có khả năng tiếp cận một lượng lớn khán giả là điều gây ra hiệu ứng truyền thông thù địch.

Khá là nhất quán, họ nhận thấy rằng một thông điệp xuất phát từ một tờ báo bị một phe này coi là thù địch, trong khi một thông điệp giống hệt xuất hiện trong một bài luận của sinh viên được coi là không thiên vị, hoặc thậm chí có vẻ ủng hộ quan điểm của phe này. (Gunther et al., 2004 & 2006 & 2009)

Hiệu ứng tự tham chiếu (Self-reference effect)

Hiệu ứng tự tham chiếu là xu hướng mọi người mã hóa thông tin khác nhau tùy thuộc vào mức độ liệu họ có liên quan đến thông tin hay không. Khi mọi người được yêu cầu ghi nhớ thông tin có liên quan đến họ theo một cách nào đó, tỷ lệ nhớ lại được thông tin đó có thể được cải thiện.

Nghiên cứu đầu tiên về hiệu ứng tự tham chiếu được T. B. Rogers và các đồng nghiệp công bố vào năm 1977.

Bản thân tên riêng của một người có thể tạo ra hiệu ứng tự tham chiếu đối với trí nhớ theo từng giai đoạn: sự liên kết giữa tác nhân kích thích mục tiêu và tên của chính mình đã được chứng minh là gợi ra hiệu quả ghi nhớ tốt hơn so với liên kết giữa người nổi tiếng và tác nhân kích thích mục tiêu.

Thiên kiến này đã xảy ra ngay cả khi nhiệm vụ yêu cầu người tham gia chỉ đơn giản là báo cáo xem một từ xuất hiện ở trên hay dưới tên của chính họ (hoặc tên của người nổi tiếng).

Một tác động ngẫu nhiên như vậy cho thấy rằng chúng ta có xu hướng hình thành liên kết một cách tự nhiên giữa thông tin liên quan đến bản thân (chẳng hạn như tên riêng của chúng ta) và các tác nhân kích thích bên ngoài xảy ra đồng thời.

Hiệu ứng ưu thế hình ảnh (Picture superiority effect)

Hiệu ứng ưu thế hình ảnh đề cập đến hiện tượng mà bức tranh và hình ảnh có nhiều khả năng được ghi nhớ hơn là từ ngữ. (Shepard, 1967 và Defeyter et al., 2009)

Hiệu ứng ưu thế hình ảnh đã được chứng minh trong nhiều thí nghiệm bằng các phương pháp khác nhau. Nó dựa trên quan điểm cho rằng “trí nhớ của con người cực kỳ nhạy cảm với phương thức biểu tượng của việc trình bày thông tin sự kiện”.

Hiệu ứng ưu thế hình ảnh
(Ảnh: Prime Your Pump)

Lý thuyết mã hóa kép (dual-coding theory) của Allan Paivio là cơ sở của hiệu ứng ưu thế hình ảnh.

Paivio tuyên bố rằng việc hình ảnh có lợi thế hơn so với từ có liên quan đến mã hóa và truy xuất bộ nhớ đã lưu trữ vì hình ảnh được mã hóa dễ dàng hơn và có thể được truy xuất từ phương thức biểu tượng, trong khi quá trình mã hóa kép từ ngữ thì gây khó khăn hơn cho cả việc mã hóa và truy xuất.

Trong tâm lý học, hiệu ứng này có liên quan đến sự nổi bật trong lý thuyết quy kết (attribution theory) cũng như suy nghiệm sẵn có (availability heuristic). Nó cũng liên quan đến quảng cáo và thiết kế giao diện người dùng.

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hiệu ứng ưu việt của từ (Word superiority effect)

Trong tâm lý học nhận thức, hiệu ứng ưu việt của từ (word superiority effect – WSE) đề cập đến hiện tượng mọi người thường nhận dạng các chữ cái xuất hiện trong các từ tốt hơn so với các chữ cái biệt lập và các chữ cái được trình bày trong chuỗi không phải từ (những từ vô nghĩa, không phát âm được).

Hiệu ứng này được mô tả lần đầu tiên bởi Cattell (1886), và những đóng góp quan trọng đến từ Reicher (1969) và Wheeler (1970).

Hiệu ứng ưu việt của từ theo truyền thống được kiểm tra bằng cách sử dụng máy chiếu từ ngữ (tachistoscope), vì thời lượng trình chiếu các chuỗi ký tự cần được kiểm soát cẩn thận. Gần đây, các phần mềm trình chiếu đã cho phép thao tác đơn giản hơn nhiều so với thời lượng trình chiếu bằng máy tính.

Một chuỗi ký tự, thường là 4 hoặc 5, được hiển thị trong vài mili giây trên màn hình. Người đọc sau đó được yêu cầu chọn chữ cái nào trong số hai chữ cái đã có trong chuỗi được nhấp nháy. Ví dụ: nếu “WOSK” đã được hiển thị, người đọc có thể phải quyết định xem “K” hay “H” đã ở trong “WOSK”.

Hiệu ứng ưu việt của từ phát sinh khi các đối tượng chọn đúng chữ cái nhất quán hơn khi các chuỗi chữ cái là các từ có nghĩa thay vì các từ vô nghĩa (ví dụ: “WKRG”) hoặc các chữ cái đơn lẻ.

Hiệu ứng vần tin cậy (Rhyme-as-reason effect)

Hiệu ứng vần tin cậy, hay suy nghiệm Keats, hiện tượng Eaton-Rosen, là một thiên kiến nhận thức trong đó một câu nói hoặc cách ngôn được đánh giá là chính xác hơn hoặc trung thực hơn khi nó được viết có vần.

Trong những thí nghiệm, các đối tượng đánh giá các biến thể của những câu nói có vần và không vần, và có xu hướng đánh giá những câu có vần là trung thực hơn (được kiểm soát về ý nghĩa).

Ví dụ: câu nói “Tỉnh táo thì che, rượu vào thì khoe” (What sobriety conceals, alcohol reveals) được đánh giá là chính xác hơn so với câu nói “Tỉnh táo thì giấu, rượu vào khoe ra” (What sobriety conceals, alcohol unmasks).

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Hiệu Ứng Chim Mồi tập 1 – Hạo Nhiên & Quốc Khánh

Hiệu ứng vị trí nối tiếp (Serial position effect)

Hiệu ứng vị trí nối tiếp là xu hướng mọi người thường nhớ tốt nhất các mục đầu tiên và cuối cùng trong một chuỗi và nhớ tệ nhất là các mục ở giữa.

Thuật ngữ này được đặt ra bởi Hermann Ebbinghaus thông qua các nghiên cứu mà ông thực hiện trên chính mình.

Khi được yêu cầu nhớ lại danh sách các mục theo bất kỳ thứ tự nào, mọi người có xu hướng nhớ lại các mục cuối cùng trong danh sách một cách tốt nhất (hiệu ứng gần đây – recency effect), và những mục ở đầu danh sách được nhớ lại thường xuyên hơn các mục ở giữa (hiệu ứng đầu mục – primacy effect).

Hiệu ứng vị trí nối tiếp
(Ảnh: Plug and Play Design)

Hiệu ứng vị trí nối tiếp bao gồm 2 hiệu ứng: hiệu ứng đầu mụchiệu ứng gần đây được nói đến ở mục tiếp theo.

Hiệu ứng đầu mục & hiệu ứng gần đây (Primacy effect & Recency effect)

Hiệu ứng đầu mục đề cập đến xu hướng nhớ lại thông tin được trình bày ở đầu danh sách tốt hơn so với thông tin ở giữa hoặc cuối.

Hiệu ứng đầu mục có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, khi một cá nhân cố gắng nhớ điều gì đó từ một danh sách dài các từ, họ sẽ nhớ những từ được liệt kê ở đầu thay vì ở giữa.

Để sử dụng được thiên kiến nhận thức này, các công ty thường sử dụng quảng cáo truyền hình, đài phát thanh, internet và báo in để giới thiệu cho chúng ta ấn tượng đầu tiên về sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, ngay cả trước khi sản phẩm hoặc dịch vụ của họ ra mắt trên thị trường.

Ngoài ra, kỹ thuật này được sử dụng trong các mục tin tức về những mẫu điện thoại sắp ra mắt hay các bản xem trước phim, trailer,… Thường thì các nhãn hàng sẽ đảm bảo rằng những tin tức đầu tiên bạn nghe về sản phẩm của họ mang tính tích cực.

Ngược lại với hiệu ứng đầu mục, hiệu ứng gần đây đề cập đến xu hướng mọi người dễ dàng nhớ lại các mục được trình bày cuối cùng trong danh sách, điều này có thể là do những mục đó là gần đây nhất và do đó vẫn được lưu giữ trong trí nhớ ngắn hạn của bạn.

Bạn có thể đã trải qua hiệu ứng này nhiều lần khi bạn cố gắng học một điều gì đó mới. Sau khi tìm hiểu thông tin, hãy tưởng tượng rằng bạn phải làm ngay một bài kiểm tra để xem bạn đã nhớ được bao nhiêu. Bạn nghĩ thông tin nào bạn sẽ nhớ nhất?

Rất có thể bạn sẽ nhớ lại khá tốt những điều bạn được học cuối cùng hoặc gần đây nhất. Bạn cũng có khả năng nhớ lại một vài điều đầu tiên mà bạn đã học được. Những thông tin ở giữa buổi học thường khó nhớ nhất.

Hiệu ứng gần đây có thể cho chúng ta biết một chút về cách bộ nhớ hoạt động. Bạn cũng có thể tìm cách để tối đa hóa trí nhớ của mình bằng cách hiểu rõ hơn về cách thức và lý do tại sao hiệu ứng này xảy ra.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hiệu ứng Von Restorff (Von Restorff effect)

Hiệu ứng Von Restorff, còn được gọi là hiệu ứng cô lập (isolation effect), dự đoán rằng khi có nhiều nhân tố kích thích hiện diện, thì nhân tố khác với phần còn lại có nhiều khả năng được ghi nhớ hơn.

Hiệu ứng Von Restorff
(Ảnh: UX Planet)

Lý thuyết được đặt ra bởi bác sĩ tâm thần và bác sĩ nhi khoa người Đức Hedwig von Restorff (1906–1962), người phát hiện ra rằng khi những người tham gia được cho xem một danh sách gồm các thứ tương tự nhau và một thứ khác biệt, khả năng ghi nhớ cho thứ khác biệt đã tăng lên rõ rệt.

Ví dụ:

Nếu một người xem danh sách mua sắm với một mặt hàng được đánh dấu bằng màu vàng tươi sáng, người đó sẽ có nhiều khả năng nhớ mặt hàng được đánh dấu hơn bất kỳ mặt hàng nào khác.

Ngoài ra, trong danh sách các từ sau: bàn, ghế, giường, mèo, tủ quần áo, cửa, sàn nhà, thì từ “mèo” sẽ được ghi nhớ nhiều nhất vì nó khác biệt so với những từ còn lại về nghĩa của nó.

Hiệu ứng Werther (Werther effect)

Hiệu ứng Werther miêu tả hiện tượng về sự gia tăng đột biến của các vụ tự sát tương tự sau khi một vụ tự tử được công bố rộng rãi.

Hiệu ứng Werther được dùng để chỉ các vụ bắt chước tự sát (copycat suicide).

Một vụ bắt chước tự sát được định nghĩa là một sự mô phỏng của một vụ tự tử khác mà người định tự tử biết được từ kiến thức địa phương hoặc do các lời kể hoặc mô tả về vụ tự tử gốc trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Vụ tự tử được công khai đóng vai trò là nguyên nhân kích hoạt, như một gợi ý cho các vụ tự sát tiếp theo của những người đồng cảnh ngộ. Đây được coi là sự lây lan tự tử (suicide contagion).

Đôi khi chúng lan truyền qua hệ thống trường học, thông qua cộng đồng, hoặc theo làn sóng tự tử của người nổi tiếng,…. Đây được gọi là nhóm tự tử(suicide cluster).

Các nhóm tự tử gây nên bởi các cá nhân trong xã hội học hỏi lẫn nhau về hành vi liên quan đến tự tử, hoặc “bắt chước tự sát”.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Tâm lý học hài hước – Richard Wiseman

Những đòn tâm lý trong thuyết phục – Robert Cialdini

Hiệu ứng xác suất (Possibility Effect)

Hiệu ứng xác suất miêu tả tình huống khi các kết quả không chắc chắn được đánh giá cao hơn những kết quả gần như chắc chắn, trái ngược với nguyên lý kì vọng.

Hiệu ứng xác suất được nhắc đến trong cuốn Tư duy nhanh và chậm (Thinking Fast and Slow) của Daniel Kahneman xuất bản năm 2011.

Kahneman đưa ra một mô hình gọi là mô hình bốn phần (fourfold pattern) như hình minh hoạ dưới đây.

Hiệu ứng xác suất
(Ảnh: trích ra từ sách “Tư duy nhanh và chậm”)

Theo đó, hai ô phía trên chứa các tình huống có khả năng xảy ra (xác suất cao), lợi ích hoặc tổn thất, các tình huống này tương ứng với hiệu ứng chắc chắn (đã được nhắc đến ở mục trên).

Hai ô phía dưới chứa các tình huống khó xảy ra (xác suất thấp), lợi ích hoặc tổn thất, và các tình huống này tương ứng với hiệu ứng xác suất.

Đồng thời:

  • Hàng trên cùng trong mỗi ô biểu diễn một triển vọng minh họa.
  • Hàng thứ hai mô tả cảm xúc trọng tâm mà triển vọng gợi lên.
  • Hàng thứ ba cho biết hầu hết mọi người hành xử như thế nào khi được đề nghị một chọn lựa giữa một trò may rủi với một lợi ích đảm bảo (hoặc tổn thất) tương ứng với giá trị dự tính của chúng (ví dụ, giữa “95% cơ may thắng $10.000” và “chắc chắn có $9.500”).
    Các chọn lựa bị gọi là ác cảm rủi ro (risk averse) nếu điều đảm bảo được ưu tiên, gọi là tìm kiếm rủi ro (risk seeking) nếu trò may rủi được ưu tiên.
  • Hàng thứ tư mô tả các thái độ dự tính về bên bị và bên nguyên khi họ tranh luận về sự dàn xếp một vụ kiện dân sự.

Hiệu ứng xác suất trong ô dưới cùng bên trái giải thích tại sao trò xổ số phổ biến.

Khi giải nhất cực lớn, những người mua vé số tỏ vẻ thờ ơ với sự thực rằng cơ may thắng giải của họ là rất nhỏ. Một tấm vé số là ví dụ sau cùng về hiệu ứng xác suất.

Nếu không có một tấm vé số bạn không thể thắng giải, với một tấm vé số bạn có một cơ may và cho dù cơ may đó rất nhỏ hay đơn thuần là những cơ hội nhỏ không đáng kể.

Dĩ nhiên, những gì người ta thu được từ một tấm vé có ý nghĩa nhiều hơn là một cơ may giành giải, đó là quyền được mơ ước giành chiến thắng một cách thú vị.

Ô dưới cùng bên phải là nơi hợp đồng bảo hiểm được mua. Người ta sẵn lòng chi trả cho hợp đồng bảo hiểm nhiều hơn giá trị dự tính, nó giải thích cho việc các công ty bảo hiểm kiểm soát các chi phí và tạo lợi nhuận cho mình như thế nào.

Ở đây một lần nữa, người ta mua sự phòng vệ trước một thảm họa không chắc xảy ra nhiều hơn, họ loại trừ một nỗi lo và mua về sự yên ổn trong tâm hồn.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Tư Duy Nhanh Và Chậm – Daniel Kahneman

Thiên nga đen – Nassim Nicholas Taleb

Hiệu ứng Zeigarnik và hiệu ứng Ovsiankina (Zeigarnik effect & Ovsiankina effect)

Hiệu ứng Zeigarnikhiệu ứng Ovsiankina tuy không đi thành một cặp với nhau nhưng hai hiệu ứng này có liên quan và rất dễ bị nhầm với nhau.

Trong tâm lý học, hiệu ứng Zeigarnik xảy ra khi một hoạt động đã bị gián đoạn có thể được nhớ lại dễ dàng hơn. Hiệu ứng này giả định rằng mọi người nhớ các nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc bị gián đoạn tốt hơn các nhiệm vụ đã hoàn thành.

Còn hiệu ứng Ovsiankina là xu hướng thực hiện lại một hành động bị gián đoạn khi nó vẫn chưa hoàn thành.

Hiệu ứng này nói rằng một công việc bị gián đoạn, ngay cả khi không có phần thưởng khích lệ, được coi gần như là một nhu cầu tạm thời (quasi-need). Nó tạo ra những ý nghĩ xâm chiếm trí óc, nhằm mục đích khiến ta phải tiếp tục thực hiện công việc lần nữa.

Như vậy, hiệu ứng Zeigarnik nói về việc ghi nhớ những gì chưa hoàn thành, còn hiệu ứng Ovsiankina nói về xu hướng hoàn thành những gì còn dang dở.

Hiệu ứng Zeigarnik được đặt theo tên nhà tâm lý học Bluma Zeigarnik và hiệu ứng Ovsiankina được đặt theo tên nhà nghiên cứu Maria Ovsiankina, là đồng nghiệp của Zeigarnik.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hội chứng Munchausen (Munchausen syndrome)

Hội chứng Munchausen, còn được gọi là rối loạn giả tạo áp đặt lên bản thân (factitious disorder imposed on self), là một chứng rối loạn giả tạo (factitious disorder) trong đó những người bị ảnh hưởng bởi bệnh giả, ốm hoặc sang chấn tâm lý để thu hút sự chú ý, sự cảm thông hoặc trấn an bản thân.

Hội chứng Munchausen phù hợp với phân lớp của rối loạn giả tạo với chủ yếu là các dấu hiệu và triệu chứng về thể chất, nhưng bệnh nhân cũng có tiền sử nhập viện thường kỳ, đi lại nhiều và những câu chuyện kịch tính, cực kỳ khó đoán về những trải nghiệm trong quá khứ của họ. (Kay et al., 2006 & Ray, 2019)

Thuật ngữ này bắt nguồn từ tên của nhân vật hư cấu là Nam tước Munchausen.

Rối loạn giả tạo áp đặt lên bản thân có liên quan đến chứng rối loạn giả tạo áp đặt lên người khác (factitious disorder imposed on another), ám chỉ việc lạm dụng người khác, điển hình là trẻ em, để tìm kiếm sự chú ý hoặc thông cảm cho kẻ bạo hành.

Trong tình trạng rối loạn giả tạo áp đặt lên bản thân, người bị ảnh hưởng thường phóng đại hoặc tạo ra các triệu chứng bệnh tật ở bản thân để được nhân viên y tế khám, điều trị, chú ý, thông cảm hoặc an ủi.

Nó thường liên quan đến các yếu tố đóng vai nạn nhân (victim playing) và tìm kiếm sự chú ý (attention seeking).

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, những người mắc hội chứng Munchausen có kiến thức cao về hành nghề y có thể tạo ra các triệu chứng dẫn đến việc phân tích y tế kéo dài và tốn kém, thời gian nằm viện kéo dài và các cuộc phẫu thuật không cần thiết.

Vai trò của bệnh nhân là một vai trò quen thuộc và an ủi, nó đáp ứng được nhu cầu tâm lý ở những người mắc hội chứng này.

Rối loạn này khác với chứng rối loạn lo âu bệnh tật (hay còn gọi là bệnh tưởng – hypochondriasis), và các rối loạn dạng cơ thể (somatoform disorders), khác ở chỗ những người mắc chứng rối loạn này không cố ý tạo ra các triệu chứng cơ thể (somatic symptoms) của họ.

Rối loạn giả tạo khác với giả bệnh (malingering) ở chỗ những người mắc chứng rối loạn giả tạo áp đặt lên bản thân không bịa ra các triệu chứng để thu lợi vật chất như bồi thường tài chính, nghỉ làm hoặc tiếp cận với ma túy.

Đây là bài viết của Sofia Blog, nếu bạn đem bài của mình đi nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn: https://sofiablogvn.com/

Hội chứng Not-Invented-Here (Not-Invented-Here syndrome)

Hội chứng Not-Invented-Here (tạm dịch: không được phát minh ở đây), hay còn gọi là hội chứng NIH, là một lỗi ra quyết định trong đó chúng ta có xu hướng coi trọng những ý tưởng, sản phẩm của nhóm mình (hoặc công ty mình) hơn những ý tưởng hay sản phẩm của những người bên ngoài nhóm của chúng ta.

Theo một bài báo của David Antons và Frank T. Piller của Đại học RWTH Aachen, 2 điều kiện chính cần phải tồn tại để xác định sự hiện diện của hội chứng này:

  • Ranh giới kiến ​​thức giữa hai thực thể
  • Sự mất giá vô lý của tri thức bên ngoài.

NIH có thể được chẩn đoán bằng cách kiểm tra lý do cơ bản được sử dụng để loại một ý tưởng.

Các cụm từ như “chúng tôi đã thử điều đó”, “chúng tôi có thể tự mình làm điều đó tốt hơn” và “khách hàng của chúng tôi sẽ không chấp nhận điều đó” là những dấu hiệu tiềm ẩn của suy luận không chặt chẽ.

Bởi vì tất cả chúng đều là ví dụ của những câu nói nghe có vẻ hay nhưng sáo rỗng (thought-terminating cliché) – là một loại ngôn ngữ có tính giản lược cao hỗ trợ các ngụy biện logic, bác bỏ các ý kiến ​​bất đồng và không thảo luận thêm.

Tất nhiên, có những trường hợp khi việc chống lại các ý tưởng bên ngoài là chính đáng: khi chúng hoàn toàn không được chứng minh, không phù hợp với doanh nghiệp hoặc gây ra rủi ro thực sự về việc phá hoại các hoạt động trong công ty.

Nhưng khi bạn đã loại trừ những mối đe dọa có thể xảy ra này, rào cản duy nhất để chúng ta có thể tìm được giải pháp tốt nhất lại chính là thái độ độc hại đối với những thứ không quen thuộc.

Tham khảo thêm về hội chứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Hội chứng Stockholm (Stockholm syndrome)

Hội chứng Stockholm là tình trạng con tin bị bắt cóc phát triển liên minh tâm lý với những kẻ bắt giữ họ trong thời gian bị giam cầm.

Mối quan hệ tình cảm có thể được hình thành giữa những kẻ bắt giữ và những người bị bắt giữ trong thời gian thân mật với nhau, nhưng điều này thường được coi là không hợp lý do sự nguy hiểm hoặc rủi ro mà nạn nhân phải chịu đựng.

Hội chứng Stockholm
(Ảnh: Shutterstock)

Hội chứng Stockholm chưa bao giờ được đưa vào “Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần” (the Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – DSM), công cụ tiêu chuẩn để chẩn đoán các bệnh và rối loạn tâm thần, chủ yếu là do thiếu một cơ quan nghiên cứu hàn lâm nhất quán.

Hội chứng này cực kỳ hiếm gặp theo ghi nhận của Hệ thống cơ sở dữ liệu về rào chắn con tin (HOBAS) của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) và Bản tin thực thi pháp luật (Law Enforcement Bulletin) ước tính rằng ít hơn 5% nạn nhân bắt cóc có bằng chứng về hội chứng Stockholm.

Thuật ngữ này được giới truyền thông sử dụng lần đầu tiên vào năm 1973 khi bốn con tin bị bắt trong một vụ cướp ngân hàng ở Stockholm, Thụy Điển. Các con tin bảo vệ những kẻ bắt giữ họ sau khi được thả và không đồng ý làm chứng trước tòa để chống lại họ.

Tuy nhiên, lưu ý rằng trong trường hợp này, cảnh sát được cho là đã hành động thiếu quan tâm đến sự an toàn của con tin, cung cấp một lý do thay thế cho việc họ không muốn làm chứng.

Hội chứng Stockholm là một nghịch lý bởi vì tình cảm đồng cảm mà những người bị giam giữ cảm thấy đối với những kẻ bắt giữ họ trái ngược với sự sợ hãi và coi thường mà người xem có thể cảm thấy đối với những kẻ bắt giữ.

Sự vô tri đa nguyên (Pluralistic ignorance)

Trong tâm lý học xã hội, sự vô tri đa nguyên là tình trạng đa số các thành viên của một nhóm trong thâm tâm bác bỏ một chuẩn mực nào đó, nhưng theo một cách sai lầm lại cho rằng phần lớn mọi người trong nhóm chấp nhận hay đồng ý với điều này.

Hiệu ứng tâm lý này cũng được mô tả là “mặc dù không ai tin nhưng mọi người đều nghĩ rằng ai cũng tin điều đó.” (Krech et al., 1948 và Thaler et al., 2009)

Sự vô tri đa nguyên
(“Chắc hẳn ai cũng cho rằng việc những người cha mà nghỉ làm ở nhà chăm con mọn là không chấp nhận được” | Ảnh: Kyushu University)

Sự vô tri đa nguyên có thể giúp giải thích hiệu ứng người ngoài cuộc (bystander effect). Nếu không có ai hành động, người xem có thể tin rằng những người khác cũng tin là việc hành động sẽ không phù hợp, và do đó, họ có thể tự kiềm chế hành động và rốt cuộc là không ai làm gì cả.

Tham khảo thêm về khái niệm này trong sách:

Những đòn tâm lý trong thuyết phục – Robert Cialdini

Vòng xoáy khoái lạc (Hedonic treadmill)

Vòng xoáy khoái lạc, còn được gọi là sự thích nghi với khoái lạc (hedonic adaptation), là xu hướng con người nhanh chóng trở lại mức hạnh phúc tương đối ổn định bất chấp những sự kiện tích cực hay tiêu cực hoặc những thay đổi trong cuộc sống.

Theo lý thuyết này, khi một người kiếm được nhiều tiền hơn, kỳ vọng và mong muốn tăng lên song song, dẫn đến việc không có được hạnh phúc vĩnh viễn.

Brickman và Campbell đã đặt ra thuật ngữ này trong bài tiểu luận của họ “Thuyết tương đối khoái lạc và lập kế hoạch xã hội tốt” năm 1971.

Vòng xoáy khoái lạc là một quá trình hoặc cơ chế làm giảm tác động xúc động của các sự kiện liên quan đến cảm xúc.

Vòng xoáy khoái lạc liên quan đến một “điểm thiết lập” hạnh phúc (happiness “set point”), theo đó con người nói chung duy trì mức độ hạnh phúc không đổi trong suốt cuộc đời, bất chấp các sự kiện xảy ra trong môi trường của họ.

Vòng xoáy khoái lạc
(Nguồn trong ảnh)

Quá trình thích nghi với khoái lạc thường được ví như một chiếc máy chạy bộ, máy hoạt động liên tục thì ta cũng phải chạy liên tục để không bị trượt ngã. Đối với khoái lạc cũng vậy, chúng ta phải liên tục thực hiện những việc đem lại hạnh phúc để duy trì một mức độ hạnh phúc nhất định.

Sự thích nghi với khoái lạc có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau. Nói chung, quá trình này liên quan đến những thay đổi về nhận thức, chẳng hạn như thay đổi các giá trị, mục tiêu, sự chú ý và diễn giải tình huống.

Hơn nữa, các quá trình hóa học thần kinh (neurochemical processes) khử nhạy những con đường khoái cảm bị kích thích quá mức trong não, ngăn chặn mức độ cao dai dẳng của cảm giác tích cực hoặc tiêu cực.

Tham khảo thêm về hiệu ứng này trong sách:

Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch – Rolf Dobelli

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *